Theo đó, nội dung có thiết kế mở, cách kiểm tra và đánh giá khác biệt so với trước đây. Điều này giúp học sinh không bị gò bó, có thể tự tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân, đồng thời nâng cao kỹ năng tự học.
Chương trình học mới sẽ áp dụng từ năm học 2021-2022 Do đó, phụ huynh có con vào lớp 6 cần lưu ý để đồng hành cùng trẻ.
Tự học là kỹ năng cốt lõi
Theo nhận định của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, chương trình giáo dục phổ thông cũ hướng đến việc học sinh phải đạt nhiều đơn vị kiến thức, dẫn đến việc phải học thuộc lòng, còn ở chương trình mới học sinh được phát triển kĩ năng để tự khám phá kiến thức. Môn Ngữ văn 6 ở chương trình mới có hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ đưa ra yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học.
Bà Nguyễn Hồng Thanh Thương, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP HCM) nhận định, để phát triển toàn diện 4 kỹ năng trên, ngoài ngữ liệu giáo viên cung cấp, học sinh cần tự luyện tập các kỹ năng ngoài sách giáo khoa như: tăng cường đọc thêm các tác phẩm cùng thể loại trên sách, báo, xem bản tin... Các em cũng có thể tự sáng tác hoặc tạo ra các sản phẩm sáng tạo từ cảm hứng văn học với nhiều hình thức khác nhau, tùy theo năng lực. "Đặc biệt, đừng quên vận dụng những điều đã học vào hoạt động giao tiếp hàng ngày", bà nói thêm.
Cô Thương cũng cho biết, việc kiểm tra, đánh giá cũng chú trọng vào năng lực của học sinh thay vì mức độ thuộc lòng. Các em phải phát huy khả năng đọc hiểu và tự tạo lập văn bản theo thể loại để có thể làm tốt các bài kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, hình thức kiểm tra không chỉ gói gọn trong các bài viết mà còn có thể đánh giá thường xuyên qua các hình thức khác như sản phẩm, dự án, phần trình bày...
Đối với môn Khoa học tự nhiên 6, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Vật lý của Học viện kỹ thuật quân sự, phụ trách chương trình Khoa học tự nhiên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ, việc dạy các môn khoa học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thay đổi căn bản và hoàn toàn khác so với trước đây.
Trong chương trình mới, giáo viên là người thiết kế hoạt động học tập, tổ chức theo giáo án và giao nhiệm vụ tự học cho học sinh sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở trên lớp. "Thông qua các hoạt động học tập, ngoài việc tiếp thu kiến thức cơ bản, người học sẽ phát triển và hoàn thiện các kỹ năng làm việc cụ thể, cùng với một thái độ làm việc nghiêm túc, chất lượng", ông nói thêm.
Phụ huynh giúp con tự học tại nhà
Chuyển cấp là thời điểm quan trọng, phụ huynh cần giúp con hình thành thói quen tự học - kỹ năng cốt lõi, bước đệm để học tốt các lớp tiếp theo. Theo đó, cha mẹ nên nghiên cứu sách giáo khoa mới để nắm tổng quan kiến thức trong chương trình và lên kế hoạch tiếp cận kiến thức sớm.
Ở lứa tuổi này, trẻ tiếp nhận thông tin từ cuộc sống thường ngày nhiều hơn sách vở. Vì vậy, phụ huynh có thể cùng con đọc, xem và trao đổi các vấn đề xã hội thông qua tin tức hàng ngày, tích cực thảo luận để trẻ hình thành tư duy phản biện, mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thường xuyên cùng con làm thí nghiệm nhỏ tại nhà và lý giải các hiện tượng tự nhiên; sưu tầm nội dung khoa học liên quan đến bài học làm tài liệu tham khảo. Cha mẹ có thể cân nhắc để con tham gia vào hoạt động quản lý của gia đình và tổ chức chương trình trải nghiệm thực tế trong tự nhiên cho con.
Cô Lê Khánh Vy, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ, trong môn Toán 6 mới, nội dung chương trình tập trung về đo đạc, đo lường, xử lý số liệu với cách tiếp cận cụ thể, xuất hiện xung quanh cuộc sống thường ngày. Thay vì dạy lý thuyết đơn thuần, chương trình bao gồm cả các bài giảng dạy về kinh tế, quản lý tài chính gia đình, tín dụng,... "Vai trò đồng hành của phụ huynh là vô cùng quan trọng để giúp con tự học, liên hệ thực tế và hình thành kỹ năng", cô Vy khẳng định.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo các khóa học trực tuyến. Với chương trình phổ thông mới cho lớp 6, nền tảng hocmai.vn có khóa Học Tốt 6 với 6 môn học: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Tin học.
Trong lúc chưa vào năm học mới, phụ huynh có thể cùng con học và tham khảo trước chương trình, từ đó tạo nguồn cảm hứng và bước đệm cho con học tốt.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI