Ming Yu, 16 tuổi, con chị Li Soon, vốn nhút nhát, thành tích học tập trong ba năm đầu tiểu học chỉ trung bình, chưa bao giờ nằm trong top 10 của lớp. Li Soon định từ chối nhưng lo ngại một ngày quyết định này khiến con trai hối tiếc nên đồng ý để con tham gia. Chương trình năng khiếu có phạm vi rất rộng, bài tập khó mà người lớn nhiều khi cũng không thể giải được. Ming Yu phải học vào các ngày cuối tuần để theo kịp bài vở trên lớp, ít có thời gian vui chơi.
Sau bảy năm, Ming Yu đã hoàn thành chương trình, đăng ký vào một trường trung học chất lượng. Nhìn lại hành trình của con trai, Li Soon nhận xét Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) đã mở ra nhiều cơ hội học tập giá trị.
GEP được Bộ Giáo dục Singapore triển khai từ năm 1984 nhằm cải tổ hệ thống giáo dục, đáp ứng nhu cầu đào tạo học sinh tài năng. Về cơ bản, GEP là chương trình nuôi dưỡng học sinh có năng khiếu trí tuệ, cho phép các em phát huy hết tiềm năng. Đến nay, có chín trường tại Singapore triển khai GEP.
Tháng 8 hàng năm, học sinh lớp 3 sẽ làm bài kiểm tra sàng lọc GEP, gồm hai phần thi tiếng Anh và Toán. Những học sinh vượt qua tiếp tục làm bài kiểm tra lựa chọn GEP gồm tiếng Anh, Toán và Năng lực chung vào tháng 10.
Học sinh trúng tuyển sẽ nhận được thư mời nhập học. Nếu gia đình chấp thuận, các em sẽ được đưa vào GEP từ năm lớp 4-6. Sau năm lớp 6, trẻ GEP sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) như các bạn học theo mô hình truyền thống và đăng ký vào trung học.
Tại Singapore, nhiều khóa học tại trung tâm tư nhân được tổ chức để giúp trẻ cải thiện trình độ, tăng cơ hội trúng tuyển GEP. Tuy nhiên, GEP dành cho những trẻ có năng khiếu, không phải những người dự thi năng khiếu. Vì vậy, các khóa học không thể đánh giá chính xác tiềm năng của trẻ. Nếu trẻ chỉ cố gắng thi vào GEP, việc học cùng những bạn có tài năng là rất áp lực và cạnh tranh cao.
Ban đầu, chương trình chỉ chấp nhận khoảng 0,25% học sinh nhưng đến nay là 1%. Là chương trình giáo dục năng khiếu, GEP cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho trẻ. Điều này đặc biệt quan trọng vì số trẻ tài năng ở Singapore ngày càng tăng, từ đó giúp xây dựng lực lượng lao động có giáo dục cao.
Học sinh GEP được cung cấp chương trình đào tạo phong phú, có tính tương tác cao so với giáo dục truyền thống. Các em có thể tham gia nghiên cứu hoặc thực hiện dự án từ sớm. Giáo viên sẽ giới thiệu nhiều khái niệm bằng tốc độ nhanh hơn bình thường. Các chủ đề học nâng cao hơn, giáo trình sâu và rộng hơn.
Trong chương trình này, học sinh được phép học theo nhu cầu và sở thích, trái ngược với phương pháp mang tính tổng quát, ít chuyên biệt theo truyền thống. Chương trình học của trẻ GEP thường không giống nhau vì các em sẽ có kế hoạch tùy chỉnh, từ đó khai thác tiềm năng cá nhân một cách tối đa. Khối lượng bài tập, công việc của trẻ GEP nặng hơn so với của trẻ học truyền thống.
Tuy nhiên, GEP vẫn còn nhiều hạn chế. Về mặt tuyển chọn, GEP không hoàn hảo. Có nhiều trẻ năng khiếu nhưng không được chọn và ngược lại. Nhiều phụ huynh nhận xét GEP tước đi "tuổi thơ bình thường" của con cái họ dẫn đến việc các em có kỹ năng xã hội kém, khó hòa nhập cộng đồng. Nhiều trẻ GEP sở hữu cái tôi cao, dẫn đến tính tự kiêu.
Tại châu Á, Singapore không phải quốc gia duy nhất đào tạo trẻ có năng khiếu. Hàn Quốc có năm cơ sở đào tạo, yêu cầu khắt khe về đầu vào nhưng mang lại cơ hội học tập trong môi trường chất lượng.
Trung Quốc có mô hình đào tạo thanh thiếu niên năng khiếu tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Trung Quốc. Ngôi trường này được xem là "lò đào tạo thiên tài", quy tụ nhiều học sinh có khả năng nổi bật.
Hồng Khánh (Theo Smile Tutor, Motherhood)