Người gửi: Đang Quan
Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng cho việc phát triển nhân lực của quốc gia. Tuy vậy ở nước ta, khung của chương trình quá nặng nề, dàn trải, mà nói theo một ngữ cảnh nào đó là "đào tạo bác học".
Thực tế là chúng ta không thể hình dung được tác hại ghê gớm của nó nếu như không thấy rõ. Bản thân tôi từng là một sinh viên khá giỏi, khi nhận một học bổng toàn phần du học tại nước ngoài đã phải vật lộn với kiến thức cũ rất vất vả trong gần một năm trời.
Sức ép bài giảng cũng là một nỗi khổ của người đi dạy. Điều này xuất phát từ cách quản lý khá hài hước của Bộ Giáo dục: Người làm chương trình thì không đi dạy, người có kinh nghiệm giảng dạy thì không được làm chương trình; dẫn đến việc giáo viên rất khó xoay trở để kịp nội dung giáo án.
Trong thuật ngữ tin học có câu "Lập trình hướng đối tượng", có nghĩa người làm việc là trung tâm, chứ không phải chương trình là trung tâm. Nhưng có vẻ như định lý phát triển này vẫn còn là một điều xa vời thực tế trong nền giáo dục nước nhà.
Cần có một sự thay đổi triệt để chứ không thể vừa làm vừa sửa nữa. Giáo dục không phải là một trò chơi của những người có trách nhiệm.