Hoạt động diễn ra tại nhà hát Hòa Bình, nằm trong chuỗi dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", do Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đồng khởi xướng trong 5 năm (2018-2023).
Chương trình có sự góp mặt của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Nguyên Phó chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; ông Lâm Văn Đoan - Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội; cùng nhiều lãnh đạo các cấp thành phố, quận, huyện và đại diện doanh nghiệp... Bên cạnh đó là chuyên gia nghiên cứu rối loạn phổ tự kỷ, đại diện trường giáo dục chuyên biệt...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá "Cùng chong chóng sắc màu lan tỏa yêu thương" là chương trình nghệ thuật đặc biệt, truyền thông vận động xã hội, góp phần giúp trẻ tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Ca sĩ Quang Dũng, Hiền Thục, Phan Đinh Tùng... mang đến nhiều tiết mục đặc biệt. Nhiều khán giả vỗ tay trước màn trình diễn của nhóm kịch NSƯT Mỹ Uyên, đội Sơn ca nhà thiếu nhi quận 3 và vũ đoàn Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP HCM...
Ca khúc chủ đề Lan tỏa yêu thương do nhạc sĩ Việt Anh sáng tác, Quang Dũng thể hiện gây ấn tượng với người xem. Nội dung truyền tải cảm xúc, chia sẻ yêu thương, đồng cảm với những trẻ không may mắn. Vài tuần qua, các sao chung tay gấp chong chóng, truyền thông điệp yêu thương đến trẻ ự kỷ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ - phát biểu: "Hơn ba năm qua, dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức và rào cản buổi ban đầu, tôi rất tự hào vì PNJ cùng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã dũng cảm làm những điều chưa ai dám, vượt qua mọi trở ngại để viết nên hành trình nhiệm màu cho trẻ tự kỷ. Vẫn còn nhiều điều cần làm phía trước, nhưng với niềm tin và trách nhiệm, chúng tôi tiếp tục thực hiện các hoạt động tầm vóc hơn nữa nhằm giúp đỡ các em và đạt mục tiêu dự án".
Chương trình nhận được đóng góp vật chất lẫn tinh thần của nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó có ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch Quỹ ASIF, câu lạc bộ doanh nhân Sao đỏ, Sacombank, Dragon Capital, Eurowindow, tập đoàn Kido, Phúc Khang, Geleximco, Hùng Hậu Holdings, Talentnet, Alphanam, Phú Thái, DHA Corp, Unibrand Group... với tổng gần 5,4 tỷ đồng.
Giai đoạn 2018-2023, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" gặt hái nhiều thành quả như: hỗ trợ 10.000 giáo viên và cán bộ công tác bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ; khoảng 4.000 trẻ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.
Trong ba năm đầu thực hiện "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam", dự án đạt nhiều thành tựu gồm: xây dựng, phát hành bộ tài liệu định hướng kiến thức phục hồi chức năng; hỗ trợ can thiệp hành vi, hình ảnh, kỹ năng tự phục vụ... cho trẻ tự kỷ; mở lớp bồi dưỡng tập trung, nâng cao kiến thức hàng năm cho 109 giáo viên ở 82 trung tâm tại 37 tỉnh, thành; bồi dưỡng liên tục qua internet, học online hàng tháng cho 4.500 giáo viên, kỹ thuật viên...
Ban tổ chức còn đề cao cách tiếp cận truyền thông, cung cấp kiến thức sinh hoạt chuyên đề cho cộng đồng, đăng các bài viết chuyên sâu trên Fanpage "Chong chóng sắc màu" cho 181 trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trên 17.000 phụ huynh, người chăm nuôi trẻ tự kỷ ở 63 tỉnh, thành. Đồng thời hỗ trợ can thiệp trực tiếp lẫn gián tiếp cho gần 4.500 trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại các trung tâm, cơ sở giáo dục chuyên biệt... cùng nhiều hoạt động khác.
Ban tổ chức kỳ vọng lan tỏa thông điệp: "Một chiếc chong chóng là một người bạn của các em. Đủ nắng, hoa sẽ nở; đủ gió, chong chóng sẽ quay; đủ hiểu và yêu thương sẽ tạo nên diệu kỳ cho trẻ tự kỷ".
Hiếu Châu (ảnh: PNJ)