TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ góp ý về dự thảo chương trình các môn học mới.
Khi vấn nạn quá tải học đường diễn ra, phụ huynh, giáo viên và nhà quản lý đều nhận ra tầm quan trọng của việc thiết kế lại chương trình sao cho phù hợp với sức trẻ, không gây áp lực kiến thức mà vẫn giáo dục hiệu quả. Dư luận vì thế đặc biệt quan tâm và đặt niềm tin các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải được cho học sinh.
![]() |
TS Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Khi dự thảo chương trình các môn học được công bố ngày 19/1, đã có nhiều ý kiến cho rằng bản mới không hề giảm tải so với chương trình hiện nay. Cá nhân tôi đồng ý với ý kiến này. Tuy nhiên theo tôi, sự tăng tải kiến thức trong một số môn học ở chương trình mới là hợp lý, vì những lý do sau.
Thứ nhất, chương trình tăng tải theo hướng phổ rộng kiến thức, đưa thêm vào nội dung ở phạm vi thế giới thay vì bó hẹp trong biên giới đất nước như hiện nay. Ví dụ, môn Lịch sử, Địa lý ở cấp tiểu học trước không có nội dung về thế giới, nay có kiến thức lịch sử địa lý Đông Nam Á, các nền văn minh thế giới như Ai Cập, La Mã cổ đại... Toán học Xác xuất, Thống kê trước đây gần như không xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông thì nay được đưa vào dạy từ tiểu học.
Kiến thức mới được đưa vào chương trình môn học lần này đã gần và thiết thực hơn với đời sống của học sinh. Việc mở rộng kiến thức cho phép học sinh có cái nhìn tổng quan hơn, dễ dàng so sánh giữa Việt Nam và các nước trên thế giới để có những định hướng phù hợp với sự phát triển đất nước trong tương lai. Ở thế giới hội nhập bây giờ, kiến thức sâu rộng mang tính toàn cầu chắc chắn sẽ có giá trị vô cùng lớn với học sinh sau khi ra trường.
Ở một khía cạnh khác, tôi thậm chí cảm thấy sự mở rộng kiến thức với môn Ngữ văn dường như "chưa đủ". Rất nhiều kiệt tác của nhân loại như: Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Jen Ero, Những người khốn khổ, Nhà thờ đức bà Paris... vắng bóng trong chương trình lần này. Nội dung vở kịch Hồ Thiên Nga được giới phê bình đặc biệt coi trọng, cũng không được đề cập tới trong dự thảo môn Ngữ văn. Khi ra môi trường thế giới, học sinh Việt Nam sẽ trả lời thế nào khi được bạn bè quốc tế trao đổi về các kiệt tác của nhân loại này?
Thứ hai, việc tăng tải kiến thức khiến giáo viên và học sinh phải quan tâm đến nhiều mảng kiến thức hơn. Thầy cô không thể đề ra khối lượng bài tập khổng lồ hay lắt léo cho trẻ bởi chính họ sẽ quá tải trong việc chấm và trả bài. Như vậy, phổ kiến thức rộng sẽ tạo điều kiện cho lượng bài tập giảm sút, khiến việc học thêm dần trở nên không cần thiết với học sinh, tạo đà cho sự giảm tải diễn ra thực sự.
Thứ ba, khi kiến thức phổ rộng, chính giáo viên cũng cần trau dồi kiến thức và kỹ năng dạy học. Điều này khiến họ dễ dàng bắt nhịp với những thay đổi, tiếp nhận cái mới trong kiến thức, phương pháp giảng dạy. Giáo viên do đó sẽ dễ chấp nhận những ý kiến thông minh đôi khi vượt tầm bản thân họ của học sinh, bởi kiến thức rộng này các em có thể thu nhận từ các nguồn khác nhau ngoài nhà trường. Thế công bằng hơn trong trường học, những ngôi trường thật sự dân chủ, theo đó sẽ dần được hình thành.
Bên cạnh những nỗ lực giảm nặng nề về kiến thức cho học sinh, việc bắt trẻ học bán trú 2 buổi/ngày dường như là "lỗ hổng" trong chủ trương giảm tải của chương trình mới. Cá nhân tôi không đồng tình với lý thuyết cùng một khối lượng kiến thức nhưng tăng lên 2 buổi học/ngày sẽ giúp việc học tập nhẹ nhàng hơn. Những năm qua đã có rất nhiều nhà trường lợi dụng buổi học thứ hai để ép học sinh học thêm khiến trẻ và phụ huynh bức xúc. Điều gì có thể khẳng định thực tế khi áp dụng học 2 buổi/ngày cho chương trình giáo dục phổ thông mới, tình trạng này không diễn ra?
Việc học sinh phải ăn ngủ trưa trong điều kiện chật chội, thiếu an toàn về nhiều mặt ở trường, có thể tạo ra những hệ lụy khó lường. Tại sao chúng ta không tạo ra nhiều kiểu lớp học: bán trú, học một buổi... để các gia đình, học sinh lựa chọn phù hợp với điều kiện của họ? Ở Đức, Hungary... học sinh chỉ học một buổi một ngày, từ 9h đến 14h. Tại nhiều nền giáo dục tiên tiến khác, họ đa dạng mô hình trường học nội trú, bán trú hoặc trường có lớp bán trú... đề người học đăng ký.
Rõ ràng các tác giả của dự thảo chương trình môn học đã có nhiều cố gắng trong việc bố trí chương trình để giảm tải áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng chương trình mới sẽ hiệu quả hơn nữa trong mục tiêu giảm kiến thức và tôn trọng sự phát triển toàn diện của trẻ.
TS Vũ Thu Hương
>>Mọi góp ý chương trình giáo dục phổ thông gửi về Giaoduc@vnexpress.net