Việc xem xét các vấn đề và hình dung về tương lai các không gian sống, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hướng đến mục tiêu tạo ra một cuộc sống an toàn, tiện lợi và thông minh là điều mà những nhà thiết kế kiến trúc và quy hoạch luôn quan tâm.

Hội thảo công bố đề xuất từ các đề tài nghiên cứu của chương trình Architecture Leader Perspective 2021 - 2022. Ảnh: Ban tổ chức ALP
Tại chương trình Architecture Leader Perspective (ALP) 2021-2022 vừa qua, các kiến trúc sư đã có những chia sẻ về những vấn đề xã hội nhằm đề xuất nên giải pháp mang tính thực tiễn cao, từ đó tổng kết được năm "chìa khóa" quan trọng cho những không gian tích hợp vào cuộc sống trong tương lai tại Việt Nam. Kết quả này cũng là đề tài trọng tâm mà Architecture Leader Perspective 2021-2022 tìm kiếm, dựa trên sự kết hợp giữa chủ đầu tư, công ty kiến trúc - thiết kế và các chuyên gia liên ngành.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Thu Hương trình bày đề tài nghiên cứu về mô hình nhà ở tái lập. Ảnh: Ban tổ chức ALP
Theo đó, 5 giải pháp đề xuất cho không gian sống trong tương lai bao gồm: Không gian xanh và (tái) xanh hóa cuộc sống; không gian công cộng và an toàn; thân thiện; không gian khích lệ và trải nghiệm, kết nối; không gian tái lập và sinh kế bền vững; không gian thông minh và trí tuệ nhân tạo.
Không gian xanh và (tái) xanh hóa cuộc sống
Màu xanh được đề xuất đưa trở lại không gian sống thông qua việc tích hợp nông nghiệp đô thị dưới hình thức công viên nông nghiệp hay vườn nông nghiệp vào môi trường cư trú đô thị hóa.
Quá trình tái xanh hóa được thực hiện bằng các giải pháp tận dụng những không gian "thừa" trong kiến trúc như mái, sân, sân thượng... để biến thành các diện tích xanh, giúp người dân có thể tự cân bằng nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ lẫn tự cân bằng tâm lý sống xanh.
Không gian công cộng và an toàn, thân thiện
Trong tương lai, môi trường sống có thể gói gọn trong những không gian cộng đồng kiểu "bỏ túi" (pocket space) gắn liền và kế cận với ngôi nhà. Đây là nơi các thành viên cộng đồng sẽ cảm thấy gần gũi cả về khoảng cách vật lý lẫn tâm lý để có thể tương tác với nhau.
Đề xuất về không gian công cộng và an toàn, thân thiện được đánh giá là phù hợp với những chung cư cao tầng vốn được xem là thiếu không gian công cộng bởi tính nén từ sự khai thác tối đa diện tích và tầng cao của công trình.
Không gian khích lệ và trải nghiệm, kết nối
Không gian khích lệ tinh thần được tích hợp vào không gian sống giúp mang đến trải nghiệm mới, làm phong phú và đa dạng hơn đời sống tâm lý là điều rất cần thiết cho người dân.

Kiến trúc sư Phạm Nhân Thọ (Công ty TNHH MTV THO.A) đang thuyết trình, đề xuất giải pháp cải tạo không gian nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người sử dụng. Ảnh: Ban tổ chức ALP
Khi sinh sống trong một môi trường có không gian sống khích lệ và trải nghiệm, kết nối, người dân có thể được chiêm nghiệm, nghỉ ngơi, giao lưu và hồi phục lại những suy nghĩ tích cực về cuộc sống vốn đã bị ảnh hưởng bởi nhịp sống hiện đại vội vã.
Không gian tái lập và sinh kế bền vững
Việc tái thiết, tái lập các không gian sống dựa trên việc nhìn nhận khả năng tự cung ứng của cư dân là một hướng phát triển nhân văn. Không gian tái lập và sinh kế bền vững giúp con người có thể vận dụng mọi yếu tố sẵn có của mình để tham gia vào quá trình cải thiện chất lượng khung cảnh sống, nhằm gắn kết cộng đồng dựa trên sự tương trợ giữa các thành viên cùng hướng đến một cuộc sống ổn định sinh kế.
Không gian thông minh và trí tuệ nhân tạo
Thông minh hóa không gian sống thông qua việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào quản lý những không gian thực, đồng thời phát triển các không gian ảo nhằm hỗ trợ người dân có những trải nghiệm sống thuận lợi hơn, chủ động giảm thiểu chi phí, ứng phó các ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống.
Không gian thông minh và trí tuệ nhân tạo cũng là cách tiếp cận không gian sống tương lai với sự hỗ trợ của chính những thành tựu khoa học công nghệ mà con người đã nghiên cứu và phát triển.
(Nguồn: Thạc sĩ - Kiến trúc sư Trần Minh Tùng)