Số phần quà không dừng lại ở 2014 mà lên tới hơn 5.000 phần quà với nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ. Ý tưởng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay làm các công tác xã hội của Long Hưng bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Anh Phạm Vũ Hiệp, một thành viên của câu lạc bộ Kết nối tình người, một đối tác đang tham gia triển khai chương trình 2014 phần quà vì tấm lòng nhân ái cho biết, nhóm thực hiện đã đi được hàng chục địa điểm và hỗ trợ, trao quà cho hơn 2000 người trong 3 tháng vừa qua (mỗi phần quà từ 350.000 đồng đến 500.000 đồng).
Cũng theo anh Hiệp, trong dịp Tết mới đây, với sự hỗ trợ bằng tiền và hàng hóa của Công ty Long Hưng, Công ty IDT, Câu lạc bộ Kết nối tình người, Câu lạc bộ Chung một tấm lòng và một số doanh nghiệp, các nhóm từ thiện đã gói bánh chưng cho những người nghèo khó, cơ nhỡ tại bãi trong và bãi giữa Sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội và trao quà cho các bệnh nhân ở một số bệnh viện Hà Nội. Những chuyến đi xa và dài ngày đến tận các bản làng Tây Bắc xa xôi cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.
Bà Trần Thị Ngọc Bích, Tổng giám đốc Công ty Long Hưng cho biết, công tác từ thiện là việc làm được lãnh đạo quan tâm, các cán bộ công nhân viên hưởng ứng mạnh mẽ và là hoạt động mang tính truyền thống của Tập đoàn. Công ty Long Hưng là doanh nghiệp kinh doanh thương mại ngành nước giải khát - hiện có hơn 300 nhân sự. Thị trường hiện nay là các tỉnh, thành phố phía Bắc với khách hàng mọi lứa tuổi.
Tinh thần truyền thống vì cộng đồng ở Tập đoàn Hương Sen đã phát triển ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước khi Doanh nhân, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Văn Sen (Chủ tịch tập đoàn Hương Sen) thành lập tổ hợp dệt vốn chỉ là một xưởng sản xuất lúc đó.
Khi ấy, ông Trần Văn Sen đã hỗ trợ nhiều bà con nông dân ở Phương La - Thái Bình cả máy móc lẫn tơ sợi và dạy bà con các kỹ thuật dệt vải. Ông Trần Văn Sen đã đến các làng dệt tiếp thu công nghệ mới, cải tiến, nâng cấp máy dệt thủ công thành bán tự động, máy dệt liên hoàn, dệt vải khổ rộng, năng suất và hiệu quả cao hơn. Ông cũng là người đầu tiên đưa công nghệ in hoa tẩy nhuộm về làng. Với cách làm trên, ông Sen được coi là người có công làm sống lại nghề dệt truyền thống ở Phương La và cũng từ cái nôi này hiện đã sinh ra khoảng 200 doanh nghiệp dệt trên toàn quốc.
Năm 1995, Tập đoàn chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất bia, nước giải khát. Tâm nguyện của Anh Hùng lao động Trần Văn Sen là phải tìm ra hướng sản xuất mới để tạo ra nguồn thu cho ngân sách và nộp thuế thay cho nông dân. Tâm nguyện này đã thành hiện thực, trong nhiều năm qua, nộp ngân sách của Hương Sen luôn chiếm trên dưới 50% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh Thái Bình. Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế rất khó khăn song Hương Sen vẫn nộp ngân sách trên 650 tỷ đồng, bằng 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Riêng với công ty Long Hưng, Bà Bích cho biết: “Năm 2014, chúng tôi mong ổn định tình hình kinh doanh, tăng trưởng tốt để tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân khắp các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, tiến vào miền Nam và tăng cường xuất khẩu”.
Theo bà Bích, đối với doanh nghiệp, sản xuất ra những hàng hóa chất lượng tốt với giá hợp lý cho cộng đồng là sự đóng góp quan trọng nhất. Với phương châm là “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Long Hưng mong muốn "chương trình 2014 phần quà vì tấm lòng nhân ái" sẽ thu hút và cổ vũ được nhiều hơn phong trào “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng.
Chương trình 2014 phần quà vì tấm lòng nhân ái do Long Hưng khởi xướng đã triển khai qua 4 tháng. Số tiền quy đổi từ 2014 phần quà của Long Hưng là hơn 1 tỷ đồng. Tới nay, chương trình đã huy động thêm được từ các tổ chức, cá nhân 3000 phần quà, và giúp đỡ được hơn 2000 trường hợp với tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Ý tưởng về xây dựng các hoạt động xã hội mà ở đó mọi người đều có thể tham gia, người có vật chất, người có thời gian, công sức đang dần được hiện thực hóa một cách rõ nét và ngày càng thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.
(Nguồn: Công ty Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Long Hưng)