Báo cáo tài chính của Tập đoàn Masan (MSN) chín tháng đầu năm ghi nhận doanh thu hơn 64.800 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ khi hầu hết mảng kinh doanh chủ lực như hàng tiêu dùng, thịt mát, khai thác khoáng sản... đều diễn biến khả quan. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao đạt 11.070 tỷ đồng, tăng đến 70% so với cùng kỳ.
Riêng WinCommerce (trước đây là VinCommerce) mang về 24.000 tỷ đồng doanh thu, tức bình quân mỗi tháng khoảng 2.660 tỷ đồng. Doanh thu chuỗi này chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kỳ do số lượng điểm bán giảm mạnh sau đợt tinh gọn mạng lưới cửa hàng cuối năm ngoái. Masan hiện có 2.456 cửa hàng đang hoạt động, trong khi cuối tháng 9 năm ngoái hơn 2.650 cửa hàng.
Đây là quý đầu tiên WinCommerce có lợi nhuận thuần sau thuế 137 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Masan lý giải, kết quả này do doanh nghiệp đã đàm phán với nhà cung cấp để cải thiện lợi nhuận thương mại (bao gồm lợi nhuận gộp và các hình thức hỗ trợ từ nhà cung cấp), tối ưu chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện phân luồng hàng hoá.
Việc chuyển đổi các cửa hàng, siêu thị thành mô hình "trung tâm thương mại mini" và doanh số bán trực tuyến ngày càng tăng cũng giúp các siêu thị và cửa hàng mới rút ngắn thời gian đạt điểm hoà vốn. Mô hình này hiện có WinMart+ bán nhu yếu phẩm, kiosk Phúc Long bán trà và cà phê, Phano bán dược phẩm và điểm giao dịch ngân hàng Techcombank. Tính đến cuối quý III, đã có 63 kiosk Phúc Long tại Winmart+ và ghi nhận số lượng đơn hàng trung bình mỗi ngày tăng 16%, giá trị hoá đơn tăng 68%.
Đối với mảng hàng tiêu dùng và thịt mát, Masan có doanh thu thuần lần lượt khoảng 18.700 tỷ đồng và 15.150 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp chín tháng của hai mảng này lần lượt là 41,1% và 13%. Khoáng sản mang về 9.600 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.240 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Ban lãnh đạo Masan cho biết, doanh nghiệp đang rất tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm nay. Dự kiến quý cuối năm đóng góp 28% vào doanh thu thuần và 33% lợi nhuận thuần.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng lo ngại các đợt dịch mới bùng phát sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng giai đoạn này. Bằng chứng là trong quý III, mảng hàng tiêu dùng và cửa hàng, siêu thị bán lẻ mất doanh thu tiềm năng lần lượt 1.130 tỷ đồng và 650 tỷ đồng do gián đoạn chuỗi cung ứng vì giãn cách xã hội.
Phương Đông