Chị Thanh Hằng, ngụ quận Thủ Đức (TP HCM), cho biết từng nhiều lần mua văn phòng phẩm ở nhà sách Phương Nam nhưng gần đây mới thấy chuỗi này bán mì gói, dầu ăn, tương ớt...
"Chủng loại tất nhiên không đa dạng như siêu thị nhưng giá ổn", chị Hằng nói khi đang cầm trên tay túi gạo hương lài 5 kg chưa đến 100.000 đồng.
Chia sẻ với VnExpress, bà Trần Nhật Hoàng Phương – Trưởng phòng Marketing Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cho hay chuỗi nhà sách này kinh doanh các loại nhu yếu phẩm và đồ dùng cá nhân (khẩu trang, gel rửa tay...) từ tháng 2. Khi đó, người dân phải chen lấn ở các hiệu thuốc và tiệm bách hóa mua hàng trong khi công ty có sẵn nhà cung cấp uy tín nên tận dụng.
"Từ bán thử nghiệm, giờ chúng tôi đã nhân rộng ra 50 nhà sách khắp cả nước. Sức tiêu thụ vượt mong đợi", bà Phương nói. Các mặt hàng này là giải pháp tạm thời giúp cải thiện nguồn thu trong giai đoạn khó khăn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu quý đầu năm. Doanh nghiệp cũng cân nhắc chọn lọc những sản phẩm tiêu thụ tốt, có đặc tính gần với ngành hàng truyền thống để kinh doanh lâu dài sau dịch bệnh.
Đại diện công ty thừa nhận so với siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, quy mô này khó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Công ty cũng không thể phân bổ nhiều hơn diện tích vì phải ưu tiên cho ngành hàng truyền thống là sách và văn phòng phẩm. Trước mắt, lợi thế giá bình ổn và hạn chế chen lấn được khai thác để thu hút khách.
Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu quý đầu năm của Phương Nam giảm 20% so với cùng kỳ khi đạt gần 120 tỷ đồng. Sách và văn phòng phẩm, đồ chơi, quà lưu niệm... chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu doanh thu với hơn 96%. Phần còn lại là kinh doanh băng đĩa và cà phê sách.
Nguồn thu giảm nhưng biên lợi nhuận gộp tăng mạnh, lên 41%. Sau khi trừ chi phí, công ty báo lỗ sau thuế gần 9 tỷ đồng và gấp bốn lần cùng kỳ năm ngoái.
Phương Đông