Chuỗi cung ứng Mỹ đến nay vẫn đang trong quá trình hồi phục hậu khủng hoảng do đại dịch. Đứt gãy chuỗi cung ứng trước đó là khiến chi phí vận chuyển tăng vọt. Người tiêu dùng cũng có xu hướng thắt chặt hầu bao, chi tiêu kỹ hơn.
Giá cước vận tải đường bộ, biển và các phương tiện khác lại có dấu hiệu giảm sau khi người dùng xứ sở cờ hoa chuyển chi tiêu từ các mặt hàng có giá trị lớn như đồ nội thất, lò nướng BBQ, TV màn hình rộng... sang du lịch và các hoạt động giải trí khác.
Nguồn cung những mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, thực phẩm... sau hơn ba năm vẫn đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Ở một số khu vực, linh kiện máy móc vẫn tiếp tục khan hiếm.
Xi măng bỗng thành "hàng hiếm" khi các nhà sản xuất ôtô đẩy mạnh hoạt động. Chuỗi dự án cơ sở hạ tầng được đốc thúc hoàn thiện cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung vật liệu xây dựng.
Dean Croke, nhà phân tích tại đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu vận tải DAT Freight and Analytics, cho biết các chuỗi cung ứng tại Mỹ vẫn đang trải qua giai đoạn bất ổn. Sắp tới, để có lời giải cho các vấn đề trên, loạt chuyên gia từ Walmart, Colgate-Palmolive, Toyota và một số công ty khác, sẽ có buổi thảo luận chiến lược tại hội nghị do Reuters tổ chức ở Chicago (Mỹ), ngày 24, 25/5.
Các lãnh đạo doanh nghiệp trước thềm hội nghị cũng đưa ra nhiều nhận định. Cụ thể, Joe Hinrichs - Giám đốc điều hành công ty đường sắt CSX Corp cho biết một số ngành công nghiệp của Mỹ đang đi xuống, trong khi những ngành khác vẫn phát triển mạnh mẽ.
"Chuỗi cung ứng đường bộ lẫn đường sắt là một lĩnh vực khá mong manh và đang có dấu hiệu yếu đi. Trong khi lĩnh vực bán lẻ ôtô, than đá và vật liệu xây dựng lại tăng trưởng mạnh", Joe Hinrichs cho biết.
Alan Amling, thành viên Viện chuỗi cung ứng toàn cầu của Đại học Tennessee, tiết lộ sau khi rót vốn vào các giải pháp nối liền chuỗi cung ứng hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu trong đại dịch, các lãnh đạo doanh nghiệp ngành này lại thay đổi chiến lược. Để bảo toàn lợi nhuận, họ chuyển sang thắt chặt các khoản chi, cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết.
Đơn cử như Target, công ty đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận chuyển từ cửa hàng bằng cách thiết lập các trung tâm hợp nhất địa phương. Sau khi có đơn thành công, xe tải vận chuyển sẽ lấy hàng tồn kho từ các cửa hàng địa phương, đóng gói tại chỗ và giao cho người mua. Cách này giúp giảm chi phí nhân lực, rút ngắn quãng đường vận chuyển và nguyên vật liệu đóng gói.
Dù thắt chặt hầu bao, song các doanh nghiệp này vẫn sẵn sàng rót vốn đầu tư vào nền tảng công nghệ. Vận hành tự động, theo dõi quy trình, giám sát hoạt động bằng robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn đang được họ tận dụng để cải thiện hiệu quả.
Cẩn Y (Theo Reuters)