Vài năm gần đây, mức độ toàn cầu hóa của thương mại quốc tế bắt đầu giảm. Do đó, các nhà quản lý logistics phải giám sát quá trình vận hành kỹ càng hơn, nhất là trong trường hợp dịch bệnh bất ngờ bùng phát.
![Tình hình khó khăn hiện tại sẽ tác động rút ngắn chuỗi cung ứng nhanh hơn. Ảnh: Business Insider.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/11/08/6169489141af0d00193ec908-2497-1636337563.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U70aMDE4cqfybwXeMfgJ8g)
Tình hình khó khăn hiện tại sẽ tác động rút ngắn chuỗi cung ứng nhanh hơn. Ảnh: Business Insider.
Kamala Raman, Phó Chủ tịch chuỗi cung ứng Gartner cho biết: "Nhiều ngành công nghiệp trở nên hạn chế về năng lực bởi nguyên liệu dồi dào, tình trạng thiếu lao động và thay đổi điều kiện kiểm dịch trên toàn cầu".
Trong khi đó, PGS. Michael Gravier cuả Đại học Bryant lưu ý, tình hình hiện nay sẽ rút ngắn quá trình vận chuyển của nhiều chuỗi cung ứng. "Thuế quan, thiên tai, gián đoạn công nghệ, nhiều liên minh thương mại quốc tế thay đổi... đều xuất hiện trước Covid-19. Điều đó tác động không nhỏ đến ngành logistics", ông nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, gần đây, vấn đề chênh lệch tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp đã giảm nhờ chi phí vận chuyển rẻ, nguồn năng lượng dồi dào và chế độ thuế quan tương đối thấp. Trước đây, chi phí lao động rẻ, đồng USD mạnh, lạm phát thấp và thị trường tiêu dùng ổn định.
"Bỏ trung gian và đơn giản hóa chuỗi cung ứng là cách nhanh nhất để kiểm soát chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian vận chuyển và dễ dàng quản lý chuỗi cung ứng", PGS. Michael Gravier đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích khác khẳng định, doanh nghiệp không thể đưa ra quyết định chỉ dựa trên chi phí. Vấn đề an ninh quốc gia, kích thích nhu cầu đổi mới cần được giải quyết bằng quan hệ đối tác công tư.
Các thị trường mới nổi
Hầu hết các nhà quản lý logistics không thể dự đoán được quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu đến năm 2022 hoặc xa hơn, mặc dù châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu đươc kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay.
Trong số 1.200 chuyên gia được Logistics Index khảo sát, 51,5% nêu ý kiến nền kinh tế không thể phục hồi hoàn toàn đến giai đoạn 2022-2024. Họ xem châu Mỹ - Latinh và châu Phi là những khu vực phục hồi cuối cùng.
Ngoài ra, các nhà phân tích của Agility dự đoán cuối năm 2021, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục dẫn đầu chỉ số logistics toàn cầu. Việt Nam nhảy vọt 3 bậc lên vị trí thứ 8 và châu Á - Thái Bình Dương đứng top 10. Nigeria tăng 5 bậc lên vị trí thứ 30, mức leo cao nhất đối với một quốc gia châu Phi cận Sahara trong 12 năm qua.
Tác động của đại dịch
Trong cuộc khảo sát của Agility, các CEO trong lĩnh vực logistics cho biết, họ xem dịch bệnh là yếu tố lớn nhất để xác định khi nào hoạt động kinh tế sẽ trở lại mức của năm 2019. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung, Brexit, chủ nghĩa bảo hộ và các yếu tố khác chỉ là thứ yếu. Họ đang đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ và khả năng kinh doanh trực tuyến so với kinh doanh truyền thống.
Các nhà điều hành logistics cho biết, quá trình lập kế hoạch và dự báo cung - cầu là điều khó khăn nhất đối với họ. Quản lý đơn đặt hàng và dòng tiền là vấn đề tiếp theo bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch. Hơn một nửa (52%) số người được hỏi có kế hoạch tăng cường hoạt động kinh doanh ở các thị trường đang phát triển, 19,5% kém tin tưởng vào các thị trường mới nổi.
John Manners-Bell, CEO của Transport Intelligence cho biết: "Điểm mạnh của các thị trường mới nổi là luôn chứng tỏ được khả năng phục hồi khi đối mặt với nghịch cảnh. Một số thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam đã tái cân bằng nhu cầu tiêu dùng và công nghiệp trong nước nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào thị trường quốc tế và nguồn vốn đầu tư".
Manners-Bell kết luận, nhu cầu thiếu hụt trên toàn cầu cùng sự đứt gãy của mạng lưới logistics đường biển và đường hàng không đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế. Ông dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ chấm dứt hoàn toàn trong 2 năm tới và "những người kiên cường nhất" sẽ phục hồi nhanh nhất.