Dọc các tuyến phố lớn tại Hà Nội như Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Tôn Đức Thắng... thời trang mang thương hiệu Made in Vietnam mọc lên nhan nhản khắp nơi. Hầu hết ở các hàng này đều bầy bán tổng hợp nhiều quần áo, giầy dép, túi xách trẻ em và người lớn với nhiều chủng loại, kích cỡ.
Theo khảo sát của VnExpress.net, các cửa hàng Made in Vietnam có hai dạng chính gồm thương hiệu Vietbrothers và shop tư nhân tự phát. Hệ thống Vietbrothers thành lập từ năm 2003, đã đăng ký bản quyền từ năm 2008 gồm 14 cửa hàng, chuyên bán hàng thời trang Việt xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ. Chuỗi các cửa hàng này luôn có nhân viên mặc đồng phục chăm sóc khách hàng. Còn các shop tự phát, không chỉ bày biện hàng nội mà còn có cả hàng xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong hoặc Campuchia.
Hàng thời trang sản xuất tại Việt Nam dần chiếm cảm tình của người tiêu dùng trong nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên thực tế, người mua đánh giá mẫu mã hàng Made in Vietnam chưa đẹp, đa dạng như một số hàng ngoại nhưng được ưa chuộng vì giá cả hợp lý. Hàng xuất khẩu có kích cỡ ngoại hạng đáp ứng được nhu cầu của những người quá khổ.
Tuy nhiên, giá cả của các cửa hàng này cũng đa dạng. Cùng một kiểu dáng, chất liệu, nhãn mác như nhau nhưng giá mỗi nơi một khác.
Chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nội), vốn là một tín đồ hàng nội cũng phải hoa mắt chóng mặt vì giá cả chênh nhau từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Tuần trước, vừa mua một chiếc quần của một thương hiệu khá có tiếng gần 350.000 đồng, đến hôm sau vào cửa hàng khác, chị đã tá hỏa vì cũng cùng màu sắc kiểu dáng y chang nhưng giá bày bán chỉ 275.000 đồng. Chị cạch luôn cửa hàng nọ với lời nhủ thầm: "Thôi đành ngậm ngùi rút kinh nghiệm lần sau".
Theo chị Hoàng Thị Lan Anh, nhân viên cửa hàng Made in Vietnam tại 27 Phan Đình Phùng (thuộc hệ thống Vietbrothers), trước đây, nguồn hàng mang thương hiệu Việt được nhập chủ yếu từ hàng lỗi, xuất khẩu thừa đi các nước châu Âu hoặc quần áo gia công (vải và thiết kế theo nước ngoài nhưng may tại Việt Nam). Tuy nhiên, thời gian gần đây, các thương hiệu lớn như Việt Tiến, May 10... đã chú trọng nhiều đến thị trường trong nước, nên quần áo bày bán tại Made in Vietnam gồm cả những lô hàng chất lượng đảm bảo lấy từ các công ty chuyên xuất khẩu.
Tại các cửa hàng nhỏ lẻ chuyên bán đồ nội địa, khách may mắn vẫn có thể tìm được những chiếc áo, váy mang phong cách độc. Để tìm được hàng “ngon”, thượng đế phải mất thời gian “săn”. Tuy nhiên, hiện cũng có không ít các shop nhỏ lẻ nhập hàng Made in China hoặc hàng không rõ nguồn gốc rồi tự phong hàng Việt chuyên xuất khẩu. Các lô hàng này thường được giải thích do bị lỗi trong quá trình sản xuất nên không có nhãn mác. Hàng loại này nhìn đều rất đẹp, bắt mắt nhưng dùng lâu sẽ bị dão, phai màu và xù lông.
Một chủ cửa hàng chuyên bán đồ nội địa tiết lộ, hiện hàng nhái mang tên thương hiệu Việt nhiều vô kể. Một vài công ty sản xuất trong nước thấy mẫu mã của nước ngoài đẹp, tìm chất liệu vải tương tự, dập khuôn mẫu mã rồi tuồn hàng cho các shop tung ra thị trường. Cũng có cửa hàng tự chế hàng xuất khẩu nhái bằng cách nhập vải từ chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) về may rồi tự phong hàng "gia công" để đẩy giá lên cao. Giá nguyên vật liệu rất rẻ nhưng thực chất chỉ có khách hàng là chịu thiệt. "Bởi vậy, giá cả mỗi nơi một khác. Mẫu mã giống nhau còn chất lượng không ai kiểm soát được", vị chủ cửa hàng bật mí.
Ông Lê Anh Tuấn, cán bộ phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Việt Tiến cho rằng, hai năm trở lại đây, thời trang mang thương hiệu Việt đã dần làm chủ được sân nhà nên không ít lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc núp bóng Made in Vietnam đánh đố khách hàng. Theo ông Tuấn, một trong những lý do quan trọng để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nội địa là giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo. Mẫu mã tuy không đẹp nhưng bền. Đường kim mũi chỉ chắc tay, không lộ. Chất lượng vải vóc có thể bảo vệ sức khỏe, không sử dụng hóa chất, đặc biệt là quần áo trẻ em. Cá biệt trong khi quần áo trẻ em Trung Quốc có nhiễm chất độc hại gây ung thư da thì thời trang thương hiệu Việt bán chạy gấp 3, 4 lần.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Giám đốc hệ thống Vietbrothers bổ sung, thời kỳ khủng hoảng là lúc hàng nội lên ngôi. Thương hiệu Việt dần khẳng định được vị thế bởi giá cả phải chăng đáp ứng nhu cầu của nhiều người. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán của Vietbrothers tăng 10-20%. Theo bà Hằng, tất cả hàng Made in Vietnam luôn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ. Các chữ trên mác rõ nét, không phai màu. "Để tìm đúng hàng chuẩn, đảm bảo chất lượng, thượng đế phải để ý đến nhãn mác, chú ý đến đường may ở khóa, cúc", bà Hằng khuyên.
Điểm yếu lớn nhất của hàng Việt là thiết kế mẫu mã và phụ kiện đi kèm còn chưa đa dạng. Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, các phụ kiện như cúc, khóa, chỉ vẫn phải liên doanh hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc gây nhiều bất tiện cho hãng sản xuất. "Nếu tự sản xuất được các phụ kiện chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ còn hạ nữa và cung ứng được nhiều người tiêu dùng hơn”, ông Tuấn chia sẻ.
Hoàng Lan