Bảng công bố thông tin bán niên mới đây cho thấy, lợi nhuận sau thuế của F88 âm hơn 368 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ, doanh nghiệp này vẫn lãi hơn 46 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí rủi ro tăng cao.
Theo F88, việc kiểm tra công tác thu hồi nợ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, trong đó có công ty này, đã ảnh hưởng đến tâm lý trả nợ của khách hàng, buộc các doanh nghiệp phải thắt chặt khẩu vị rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp này phải giảm tốc độ trong việc tăng trưởng số lượng phòng giao dịch.
Thực tế thời gian qua, cơ quan điều tra tại TP HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng... đồng loạt kiểm tra các chi nhánh của F88.
Kết quả kinh doanh của chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước khá tương đồng với nhiều đơn vị cho vay tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận nhiều công ty tài chính sụt giảm, thậm chí lỗ đậm từ trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng. Kết quả trên diễn ra trong bối cảnh tệp khách hàng chính của họ rơi vào khó khăn, kéo theo nợ xấu tăng nhanh. Công tác thu hồi nợ khó khăn do nhiều người dân giảm hoặc mất thu nhập cộng với tâm lý "xù" nợ lên cao.
Công ty cổ phần Kinh doanh F88 được thành lập năm 2013, vận hành chuỗi cầm đồ cùng tên. Đây được xem là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Công ty hiện có hơn 800 chi nhánh khắp cả nước, xuất hiện ở cả các xã, huyện nông thôn.
Từ khi công bố thông tin cho năm 2019, F88 liên tục báo lãi. Trong giai đoạn 2019-2021, doanh nghiệp này có lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt đỉnh hơn 200 tỷ đồng với hiệu quả sử dụng vốn (ROE) đạt 31,6% - cao hơn trung bình của ngành ngân hàng là 20,69% theo dữ liệu của SSI.
Song song với đà tăng lợi nhuận, nợ phải trả của F88 cũng nhân lên liên tục. Từ mức gần 355 tỷ đồng trong năm 2019, nợ phải trả đã đội lên gần 3.600 tỷ đồng trong năm 2022, tức tăng gấp 10 lần sau 4 năm.
Trong đó, huy động vốn qua kênh trái phiếu được doanh nghiệp này ưa chuộng với hơn 30 đợt phát hành. Dư nợ kênh trái phiếu đạt đỉnh hơn 1.500 tỷ đồng vào năm 2021, chiếm 90% tổng nợ của công ty và tăng 12 lần so với năm 2019.
Hầu hết lô trái phiếu đã đáo hạn hoặc được F88 mua lại. Riêng nửa đầu năm, F88 đã thanh toán 1.250 tỷ đồng tiền gốc trái phiếu đến hạn. Đến nay, doanh nghiệp này còn hai lô trái phiếu, tổng cộng hơn 120 tỷ đồng, cùng đáo hạn vào ngày 15/9 với mức lãi suất 11-11,5% một năm.
Công ty dự kiến có thêm các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong 6 tháng cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh. Trước đó, F88 đã huy động 50 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) với hai nhà đầu tư chính là quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).
Tất Đạt