Xác nhận thông tin về chủng virus Zika này, Bộ Y tế vẫn theo dõi diễn biến bệnh và nguy cơ lây lan của virus để triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời.
Sau ca nhiễm virus Zika ở Phú Yên và là bệnh nhân thứ ba mắc bệnh này tại Việt Nam, Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, các trung tâm y tế tại địa phương tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để sớm phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cũng theo dõi nguy cơ hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh tại Phú Yên cũng như cả nước.
Hiện Bộ Y tế không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, Bộ khuyến cáo người đi/đến/về từ vùng có bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
Bộ Y tế cũng đề nghị người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika, Bộ khuyến cáo người dân có biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi, phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống bệnh.
Virus Zika gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ em như thế nào
>> Xem thêm:
Dấu hiệu nhận biết cơ thể mắc bệnh Zika
Những điều cần biết về virus Zika gây bệnh đầu nhỏ
Bệnh đầu nhỏ do virus Zika là gì
Lê Nga