Người gửi: T.T.Trung
Là một người được đào tạo 10 năm ở nước ngoài từ bậc đại học cho tới tiến sĩ rồi về một trường đại học lớn làm công tác giảng dạy, tôi cũng xin có một vài ý kiến mạn đàm về vấn đề khoa học của nước ta hiện nay.
Khoa học là lĩnh vực không thể làm theo kiểu đi tắt đón đầu và cái mà khoa học khác với nhiều lĩnh vực khác đó là yếu tố con người làm chủ cho tất cả các hoạt động. Nhưng (lại là nhưng) để có được yếu tố này tốt thì... lâu lắm chứ không phải vài năm là được.
Nói thực là lực lượng khoa học nghiên cứu chủ đạo tôi vẫn thấy trông chờ vào lực lượng được đào tạo ở nước ngoài về là chủ yếu chứ còn lực lượng được đào tạo căn bản ở trong nước để làm được tốt có lẽ quá ít. Điều này có lẽ ai cũng hiểu vì nền giáo dục của chúng ta quá tồi đặc biệt là về trình độ của người thầy. Nếu ai đã từng học tập ở nước ngoài sẽ thấy trình độ của các thầy như thế nào, còn ở nước ta tình trạng các thầy ra sao? Các cụ đã nói là danh sư thì mới xuất được cao đồ.
Còn tình hình các nhà khoa học hiện tại của chúng ta: Các thầy thuộc bậc tiền bối thì nói thực là hơn được mấy cậu trẻ mới vào nghề nhưng trình độ thì đừng nghĩ đến chuyện so với thế giới, và giờ sau một thời gian cách ly với thế giới bên ngoài các thầy đang gắng sức gồng mình để nâng cao trình độ để định hướng khoa học cho đất nước vì các thầy đang là đầu ngành mà.
Còn thế hệ trẻ ư? Như tôi đây là lực lượng đầu tiên được đào tạo bài bản từ nước ngoài về và cũng lao vào làm việc với phong cách đã học được của các thầy nước ngoài. Nhưng hỡi ôi, làm khoa học ở ta hội thảo khoa học thì không có lấy cái nào cho ra hồn, các tạp chí khoa học để công bố các kết quả nghiên cứu trong nước thì hầu như không có, các tạp chí nước ngoài thì cực hiếm.
Đại khái là từ lúc đặt chân về Việt Nam, chúng tôi rất muốn cống hiến bằng khả năng và những gì được học nhưng nhìn lên chế tài và lực lượng xung quanh mình sao thấy mình đơn độc đến thế. Tình trạng khoa học thì phải nói là... chộp giật. Theo đúng tố chất của người Việt Nam. Làm được một vài cái đơn giản chạy lung tung được người ta dễ ngộ nhận là người ta giỏi và thấy khoa học thế giới cũng chỉ có thế mà thôi...
Còn khoa học bao giờ cũng có 2 kiểu: lý thuyết nền và thị trường. Kiểu thị trường muốn phát triển thì phải có các công ty lớn họ chủ động dẫn dắt. Nhưng nước ta có công ty nào lớn để dẫn dắt và đầu tư đâu? Kiểu lý thuyết thì nhà nước phải đầu tư. Và đừng bao giờ coi thường kiểu này vì nó có vai trò chủ đạo đặt nền móng cho khoa học nước nhà. Tuy nhiên, không phải đầu tư quá dàn trải mà chính Nhà nước phải phát hiện và đầu tư vào một hướng mũi nhọn, thí dụ như Ấn Độ phát triển công nghệ thông tin là chính.
Tóm lại, khoa học yếu kém chính vì lực lượng lãnh đạo khoa học yếu kém không đủ trình độ năng lực để định hướng và tổ chức. Và nguyên nhân thứ hai nữa đó là lực lượng nghiên cứu viên chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu của lĩnh vực này.