![]() |
Bác sĩ Antinori thể hiện quyết tâm nhân bản người tại hội nghị. |
Công trình do bác sĩ Panos Zavos, một chuyên gia sinh sản thuộc Đại học Kentucky (Mỹ) và bác sĩ Severino Antinori, Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Roma (Italia), người đã từng giúp một phụ nữ 62 tuổi có con năm 1994, phối hợp thực hiện. Họ dự định sẽ tiến hành trên 200 phụ nữ trong số các cặp vợ chồng vô sinh đến từ Anh, Pháp, Italia, Nhật, Mỹ.
Zavos cho hay ông sẽ chuyển nhân của một tế bào bình thường chứa gene của một người đàn ông hoặc một người đàn bà vào một trứng (đã bỏ nhân), để tạo ra phôi, sau đó chuyển phôi này vào tử cung của người phụ nữ để phát triển thành đứa trẻ hoàn chỉnh.
Từ trước tới nay, kiểu sinh sản này cũng mới chỉ dừng lại ở thành công trên cừu, gia súc và chuột, chứ con người thì chưa. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã tận tay thí nghiệm hoặc có hiểu biết về nhân bản vô tính đều cảnh báo rằng phần lớn động vật nhân bản chết trước hoặc ngay sau khi sinh, nếu có sống thì tỷ lệ dị tật cũng rất cao, và người nhân bản cũng có thể chịu chung số phận. Rudolf Jaenisch, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts đưa ra con số chỉ có từ 1 đến 5% số động vật nhân bản sống sót.
Bác sĩ Vivienne Nathanson thuộc Hiệp hội Y học Anh quốc thì chất vấn: “Kỹ thuật này sẽ tạo ra những đứa trẻ là bản sao giống hệt cha mẹ chúng. Điều này chưa hẳn là tốt và trong trường hợp bản sao này lại có khuyết tật, liệu chúng có còn được 'bản gốc' yêu thương không?”.
Không lay chuyển
Bất chấp những lời chỉ trích, Antinori vẫn một mực bảo vệ thí nghiệm của mình, và cho rằng ông đang nghiên cứu biên giới cuối cùng của khoa học nhằm tìm ra các phương thức chữa bệnh phục vụ con người. “Có thể họ đang gọi chúng tôi là những nhà khoa học điên rồ, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng với chúng tôi”, Zavos nói.
Ông cho biết: “Những phương pháp quét hiện đại sẽ giúp chúng tôi nhìn xuyên vào cấu trúc tế bào, lên chương trình cấy ghép và chọn lựa các phôi khoẻ mạnh”. Tuy nhiên, Ian Wilmut, người đã tạo ra cừu Dolly sau 277 lần, lại nhận định “Không thể dựa vào kỹ thuật quét để đảm bảo chọn được phôi phù hợp. Và vì vậy, để khỏi phải sinh ra những quái thai, người ta sẽ phải phá thai ở tháng thứ 2 hoặc 3 của thai kỳ”.
![]() |
Bà Boisselier: "Người ta có quyền chọn cách để tái tạo mình". |
Đồng minh của Zavos và Antinori lúc này là nữ Tiến sĩ Brigitte Boisselier, một thành viên của giáo phái Raelian. Bà khẳng định đã sẵn sàng cho các cuộc sinh sản vô tính người và rằng Công ty Clonaid do bà lãnh đạo đã đi được chặng đầu tiên của thí nghiệm loại này: chuyển vật liệu di truyền của người vào một trứng đã rút nhân.
Dù có phải thí nghiệm giữa biển, tôi vẫn làm!
Tuy nhiên, do Hạ viện Mỹ vừa thông qua lệnh cấm tất cả các hình thức nhân bản vô tính, và Thượng viện chắc chắn cũng sẽ làm như vậy, nên Zavos sẽ tiến hành thử nghiệm ngoài nước Mỹ, tại một trong số nước hiện vẫn chưa cấm nghiên cứu nhân bản người. Còn Antinori tuyên bố ông sẽ theo đuổi mục đích đến cùng, thậm chí phải làm việc tại một vùng hẻo lánh xa dư luận hay trên một con thuyền thả neo ở hải phận quốc tế.
Cơ quan y tế Italia doạ sẽ rút phép hành nghề của Antinori nếu ông cứ xúc tiến kế hoạch trên. Mario Falconi, Phó chủ tịch tổ chức “Nội quy của các bác sĩ Italia” (OID) tại Roma cho hay, OID đang bắt đầu các thủ tục kỷ luật bác sĩ Antinori vì có hành động trái ngược với các quy tắc đạo đức, vi phạm một hiệp ước của Hội đồng châu Âu cấm nhân bản con người, có hiệu lực từ tháng 3.
(Theo BBC, CNN, Thanh Niên)
Theo dòng sự kiện:
200 cặp vợ chồng sẽ tham gia thí nghiệm nhân bản (6/8)
Hạ viện Mỹ thông qua luật cấm nhân bản người (1/8)
Giáo phái Raelian tạm dừng kế hoạch nhân bản người (3/7)
Mỹ đưa dự luật cấm nhân bản người ra Quốc hội (27/4)
Dự đoán về nhân bản người: Lành ít, dữ nhiều (3/4)
Dự án nhân bản người giải trình trước Quốc hội Mỹ (29/3)
Bác sĩ người Italia quyết tâm nhân bản trẻ em (10/3)
Mỹ: Nhân bản người đầu tiên (5/1)