Sau khi đọc bài viết "Một du khách Việt bị lừa mua iPhone 6 giá cao ở Singapore", tôi có vài dòng kinh nghiệm chia sẻ với các bạn khi mua hàng ở đây.
Tháng 10 vừa qua, bạn tôi đã bị một trường hợp tương tự như anh Thoại khi mua hàng ở Square OCG ở Chinatown (Singapore). Tôi đã bảo bạn anh ấy đi khiếu nại bằng cách nhờ tổ chức Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng của Singapore (Consumers Association Of Singapore - CASE).
CASE đã giúp chúng tôi thương lượng với chủ shop. Kết quả chúng tôi được shop hoàn lại 600 SGD/880 SGD đã trả. Khi ấy, chúng tôi chỉ mong lấy lại được tiền phần nào hay phần đó. Vì chủ shop không bao giờ trả lại 100%. CASE cũng báo trước với chúng tôi là có thể chỉ nhận lại được 50% (tức khoảng 400~500 SGD) và họ đã cố giúp chúng tôi lấy lại 600 SGD. Tôi đã chứng kiện sự nhiệt tình của các nhân viên tại CASE.
Vì vậy tôi khuyên các bạn khi đi du lịch ở Singapore và gặp các vấn đề không hài lòng, không hiểu các gói cước hay hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ, dù là mua điện thoại hay bất cứ món hàng nào... thì hãy đến CASE (170 Ghim Moh Road) để nhờ trợ giúp.
CASE mở cửa từ 9 sáng đến 4 chiều, từ thứ 2 đến thứ 7. Nhân viên CASE luôn giúp bạn hết mình và họ rất lịch sự. Khi bạn đến đừng quên trình bày rõ ràng tình huống của bạn.
Bạn có thể viết sẵn bằng tiếng Anh ra giấy để đưa cho nhân viên CASE đọc. Khi bạn đến sẽ có người hỏi bạn muốn tờ mẫu đăng ký tiếp nhận thì có thể chọn mẫu tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Bạn nên mang theo bill (hối chiếu) hoặc bất cứ hình ảnh, chứng từ liên quan đến việc mua hàng của bạn.
(Xem thêm: Cửa hàng trả thù khách mua iPhone 6 bằng 18 kg tiền xu )
Bạn yên tâm vì mọi việc sẽ không dài dòng hay dây dưa lâu, những trường hợp mua iPhone bị lừa thì CASE sẽ giúp bạn giải quyết trong vòng một buổi đến một ngày nếu suôn sẻ.
Ngay cả khi bạn về nước rồi, họ vẫn giúp và liên hệ với bạn qua email. Họ cũng có thể đại diện bạn hoặc bạn ủy quyền cho họ nhận tiền hoàn trả từ shop thay cho bạn và gửi qua đường chuyển tiền về Việt Nam cho bạn. Tất nhiên là bạn phải chịu phí chuyển tiền và phí ủy quyền (phí khoảng là 10 SGD).
Nếu các bạn gặp trường hợp giống như bạn tôi và anh Thoại ở trên thì các bạn đừng dùng các từ "lừa đảo, tố cáo, quỵt tiền". Vì đây là trường hợp bất đồng ngôn ngữ, hiểu lầm (mis-understand) chứ không thể dùng từ "lừa đảo" hay "tố cáo" được. Nếu bạn dùng những từ này, shop bán hàng có thể kiện bạn tội vu khống. Bên Singapore họ rất kỹ ngôn từ.
Khi bạn trình bày với nhân viên của CASE hãy nhã nhặn và lịch sự, kìm nén cơn tức lại vì họ là những người đang lắng nghe và giúp bạn. Họ phải tiếp hàng chục trường hợp mỗi ngày. Vì vậy, các bạn hãy bình tĩnh và nói.
Khi mua sắm tại các Square, ở ngoài các cửa ra vào hoặc bảng thông báo của Square thông thường hay có những bảng cảnh báo các gian hàng đã bị khách khiếu nại nhiều. Các bảng này do chính CASE hoặc quản lý của Square đăng dán. Các bạn hãy chụp lại các "gian hàng đen" này.
Đặc biệt, khi bạn gặp phải trường hợp này, bạn không nên đến trình báo cảnh sát. Vì họ không giúp được gì cho bạn đâu. Bởi đây không phải là tình huống bạo lực hay nói chung là phạm tội nên cảnh sát không can thiệp, vì không phải việc của họ. Vì thế bạn đến đó chỉ tốn thời gian, còn bị phán "tại sao anh ký vào bill làm gì mà không đọc kỹ ?".
>> Xem thêm: Chủ cửa hàng iPhone lừa khách Việt đã bị trừng phạt
Những chuyện lừa đảo lan truyền chóng mặt trên mạng |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.