Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Văn Thống - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết, từ năm 1994, một số công nhân làm tại Vedan, sau khi nghỉ việc đã có đơn tố cáo công ty này có một hệ thống đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra sông. Nhiều đơn kiện khác của người dân cũng khẳng định Vedan đã gây ô nhiễm môi trường, làm các bè cá, vuông tôm của họ chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề khi chăn nuôi thủy sản. Do vậy, Chi cục đã thuê thợ lặn chuyên nghiệp lặn xuống sông Thị Vải để kiểm tra nhưng vẫn không tìm thấy gì.
Tuy nhiên, trước những khiếu kiện của dân, vào tháng 9/1995, Vedan đã đồng ý hỗ trợ 15 tỷ đồng cho sự ảnh hưởng môi trường của mình.
Vị chi cục trưởng cho biết thêm, mỗi năm Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh và Bộ tài nguyên Môi trường có thực hiện từ 2 đến 4 cuộc thanh tra, kể cả đột xuất nhưng đều không phát hiện được sai phạm gì nghiêm trọng. "Sau khi được Vedan giới thiệu về quy trình xử lý chất thải, chúng tôi có lấy mẫy về nhưng cũng không tìm được gì. Đối với những sai phạm về hệ thống đường ống, quy trình... chúng tôi đều căn cứ theo quy định pháp luật để xử phạt", ông Thống nói. Đến nay, liên quan đến sai phạm về môi trường, Vedan mới chỉ bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 4 lần với tổng số tiền 23 triệu đồng.
Theo Tuổi Trẻ, dù Vedan liên tục bị người dân thưa kiện nhưng tháng 4/2008, công ty này vẫn được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép xả nước thải vào nguồn nước sông Thị Vải. Theo đơn đề nghị của Vedan, lưu lượng nước thải trung bình 5.179 m3/ngày đêm, quá ít so với lượng nước mà Vedan đưa vào phục vụ sản xuất là 28.000 m3/ngày đêm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lượng nước thải ra phải bằng 80% lượng nước đưa vào sản xuất. Báo này đặt câu hỏi: "Hơn 18.000 m3 nước còn lại đi đâu?".
Lý giải điều này, người đứng đầu đơn vị bảo vệ môi trường của tỉnh khẳng định, Chi cục không hề hay biết và: "Trách nhiệm thuộc về Bộ Tài nguyên Môi trường.".
Đánh giá về việc cảnh sát phát hiện Công ty Vedan có đường ống ngầm để xả nước thải bẩn ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường, ông Thống nhìn nhận, cục cũng có trách nhiệm về mặt quản lý Nhà nước trên địa bàn, nhưng cho rằng, "Thực tế, chúng tôi chưa có đủ trình độ thẩm định để vạch trần "thủ đoạn", che giấu của doanh nghiệp. Bộ Tài Nguyên Môi trường cũng đã có nhiều lần kiểm tra nhưng cũng có tìm được đường ống ngầm họ chôn sâu 7-8m đâu", ông Thống nói.
Hệ thống xử lý nước thải "nổi" của Công ty Vedan. Ảnh: Báo Đồng Nai. |
Tuy nhiên, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định: "Bất kỳ hành vi gây ô nhiễm môi trường trên nào xảy ra trên địa bàn tỉnh thì Sở cũng phải chịu trách nhiệm, dù rất khó để phát hiện việc họ lén lút xả vào 2-3 giờ sáng".
Theo ông Hưng, bất cập trong sự việc trên là sự phối hợp giữa các cấp chưa chặt chẽ. "Vedan là doanh nghiệp lớn, được Bộ Tài Nguyên Môi trường cấp phép xử lý nước thải. Chúng tôi thì nghĩ rằng, Bộ phải có trách nhiệm kiểm tra chính còn chúng tôi chỉ hỗ trợ và làm đúng chức trách theo quy định nên đã không có sự phối hợp tốt", ông Hưng nói.
Cũng theo vị giám đốc Sở, sai phạm ban đầu thuộc về cơ quan cấp phép xây dựng đã không giám sát, nghiệm thu công trình xây dựng nhà máy Vedan chặt chẽ, dẫn đến việc cơ quan chức năng không phát hiện công ty này có cả một hệ thống xả nước thải gian dối.
Ông Hưng cho biết, dù đã phát hiện ra các sai phạm của Vedan nhưng việc xử lý thế nào, có đình chỉ hoạt động của công ty này hay không là do Bộ Tài Nguyên Môi trường quyết định. "Trong trường hợp Sở đột xuất thanh tra, phát hiện sai phạm thì cũng chỉ đề xuất Ủy ban tỉnh tạm đình chỉ hoạt động thôi", ông Hưng nói.
Sau nhiều lần kiểm tra không phát hiện sai phạm, đầu tháng 9, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện Vedan xối trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải gây ô nhiễm trầm trọng. Đoàn kiểm tra xác định mỗi tháng Vedan xả ra khoảng trên 44.800 m3 chất thải tinh bột sắn, mật rỉ đường có nhiều chất độc hại... Hệ thống bơm xả trực tiếp nước thải ra được Vedan thiết kế tinh vi từ năm 1994, "Song công ty này vẫn thiết kế và xây dựng một hệ thống xử lý nước thải khác theo quy định, nhưng thực chất hoạt động cầm chừng", ông Thống cho hay.
Hiện mọi liên lạc của phóng viên với công ty Vedan vẫn bất thành.
Đại Thống