Ông Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: N.H. |
- Năm 2007 được đánh giá là năm thành công về thu hút vốn đầu tư của Việt kiều cũng như lượng kiều hối. Tuy nhiên, việc tận dụng chất xám trí thức Việt kiều còn nhiều hạn chế. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Muốn thu hút có hiệu quả chất xám của cộng đông kiều bào, trước hết ta phải đánh giá đúng giá trị thực tế của sức mạnh tiềm tàng này. Chúng ta không có những "đại gia" kiều bào như các nước, song chúng ta lại có đội ngũ trí thức đông đảo với hơn 300.000 người được đào tạo ở các trường đại học danh tiếng ở những nước công nghiệp tiên tiến.
Việt kiều có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao với những chuyên gia giỏi ở Mỹ. Ngoài ra, chúng ta cũng có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nhật Bản, y học, khoa học kỹ thuật ở Pháp... Nhiều trí thức kiều bào ta làm ở NASA, Boeing, tập đoàn tên lửa của Mỹ….
Ở trong nước, đơn cử như công ty phần mềm TMA Solution của ông Nguyễn Hữu Lệ, Việt kiều Canada, thành lập năm 1997 hiện đã phát triển thành công ty tầm cỡ với 800 lao động. Con số này sẽ tăng nữa trong năm tới vì sản phẩm của công ty này rất thu hút thị trường. Nói như vậy để thấy sức mạnh cua khối kiều bào tri thức ở bên ngoài, đặc biệt là khu vực Tây Bắc Âu và Bắc Mỹ.
Do đó, nhà nước cần có chính sách đãi ngộ phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của kiều bào trí thức khi về nước, phải đánh giá khối cộng đồng tri thức bên ngoài với tư duy thực sự đổi mới.
- Nhiều Việt kiều cho rằng, rào cản như lương, điều kiện làm việc, chỗ ở... đã khiến mong muốn được làm việc tại quê hương của họ trở nên khó khăn. Tháo gỡ cụ thể trong thời gian tới của nhà nước là gì?
- Chúng ta đã tháo gỡ các khó khăn để tạo thuận lợi cho việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của kiều bào. Nhiều trường hợp các nhà khoa học yêu cầu sắp xếp địa điểm để làm phòng thí nghiệm... chúng ta vẫn chưa có hành lang pháp lý để đầu tư, tiếp nhận.
Về vấn đề lương, có thể không cần thiết phải đáp ứng 100% theo định mức các nước vẫn trả. Kiều bào hiểu rõ đất nước còn nghèo nên sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi, chỉ lấy 40% lương so với ở các nước khác.
Theo tôi, vấn đề chính là phải làm cho kiều bào thấy được tiềm năng khi về nước làm việc. Chúng ta không tạo ra bánh vẽ mà phải có kế hoạch, lộ trình để Việt kiều thấy được sự bảo hộ của nhà nước. Như vậy, sức hút sẽ lớn hơn và mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Việt kiều luôn mong muốn được góp sức xây dựng đất nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Có ý kiến cho rằng, thời gian qua Việt kiều về nước đa số cao tuổi, theo tính chất "lá rụng về cội", những người trẻ tuổi quá ít. Ông nghĩ gì về đánh giá này?
- Người già mong muốn về đất mẹ. Ông bà, cha mẹ về thì trước sau con cháu cũng sẽ nối gót về với cội nguồn. Lúc đó họ sẽ có đóng góp cụ thể. Đối với những người trẻ tài năng, chúng ta phải tiếp cận tìm hiểu xem họ có mong muốn, tấm lòng, nhiệt huyết hay không. Nếu được thì ta cần kiến nghị Chính phủ, tùy địa bàn, con người để có chế độ đãi ngộ thích hợp.
- Một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã có những chính sách ưu đãi rất tốt như xây nhà, xây trung tâm nghiên cứu cho các kiều bào về nước làm viêc... Chúng ta có rút ra được bài học gì từ các nước bạn?
- Trung Quốc là bài học kinh nghiệm lớn. Kinh tế Trung Quốc trong những năm qua phát triển mạnh nên về cơ bản đã có đủ lực để đáp ứng tương đối tốt yêu cầu của kiều bào. Chúng ra hiện còn thiếu thốn nên trước mắt sẽ đáp ứng những yêu cầu cơ bản. Sau khi thực hiện chế độ miễn thị thực, chúng tôi đang tính đến chế độ đãi ngộ của họ khi tham gia đầu tư, thuế suất... Có thể sẽ có một số ưu đãi trong thời gian đầu đối với các dự án khả thi.
Nếu so sánh một cách hình tượng thì cộng đồng trí thức kiều bào như là một kho báu lộ thiên. Chúng ta không mất công tìm kiếm nữa mà phải làm sao để tiếp cận, tạo sự tin tưởng để họ trở về và có sáng kiến đóng góp cho đất nước.
Nguyễn Hưng thực hiện