Người gửi: Lưu Trường Văn
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: Ý kiến phản hồi bài báo “Giới chuyên môn phản đối thi trắc nghiệm Văn, Toán”
Nhân đọc bài báo “Giới chuyên môn phản đối thi trắc nghiệm Văn, Toán”, tôi xin phản biện lại như sau:
1. Để vào học chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại tất cả các ĐH của Mỹ đều phải thi GMAT (Graduate Management Admission Test) và trong đó có phần thi toán dưới dạng trắc nghiệm. Đề thi trong GMAT gồm khá nhiều những bài toán đơn giản nhưng nếu thí sinh thông minh sẽ làm bài khá nhanh, còn với thí sinh trung bình thì thời gian làm bài là vừa đủ.
Nếu lý luận "thi Toán mà không giải Toán thì không có tư duy logic, thi Văn mà không viết Văn thì không còn tư duy hình tượng” thì có lẽ những người tốt nghiệp MBA ở Mỹ đều không có tư duy logic? Thực tế lại chứng minh ngược lại, những người có bằng MBA của Mỹ đều là những nhà quản lý giỏi với tư duy rất logic, nhạy bén.
Soạn thảo một đề thi trắc nghiệm môn Toán đòi hỏi rất nhiều công sức hơn so với soạn thảo đề thi đang tự luận. Nhiều thày cô giáo Việt Nam không có kiến thức về kỹ năng soạn đề thi trắc nghiệm nhưng vẫn soạn đề thi. Điều này đã “tầm thường hóa” thi trắc nghiệm bởi các câu hỏi quá tầm thường và làm cho nhiều người hiểu rằng đề thi trắc nghiệm thiếu tư duy logic.
2. Chúng ta chưa có khảo sát (survey) hoặc nghiên cứu khoa học (scientific research) nào để khẳng định: “thi trắc nghiệm ảnh hưởng xấu đến kết quả thi vừa qua”. Những trục trặc vừa qua mà chúng ta gặp phải khi thi trắc nghiệm là do lỗi của học sinh và người soạn đề thi, chứ đâu có phải là lỗi của thi trắc nghiệm.
Tôi, người viết bài này đang là giảng viên đại học, đã từng cho sinh viên thi trắc nghiệm và rút ra được kinh nghiệm quý báu là phải phổ biến thật kỹ lưỡng cách làm bài thi trắc nghiệm cho sinh viên. Cùng một nội dung giảng dạy nhưng thi trắc nghiệm thì nhiều sinh viên thi đậu hơn so với thi tự luận mở sách (open book).
Tôi cảm nhận, vì trải qua quá nhiều kỳ thi tự luận ở những bậc học bên dưới nên các sinh viên đã quen với kiểu học vẹt, “tư duy vẹt”. Vì vậy, khi đối điện với đề thi tự luận open book thì bối rối mà kết quả là các em đã sao chép kiểu “cắt và dán” từ những quyển sách khác nhau, chứ không hề vận dụng tư duy logic để mà làm bài.
Như vậy, thi tự luận chưa hẳn sẽ có được những bài làm với tư duy logic và phản ảnh được tư duy logic. Ngoài ra, cũng phải kể đến năng lực kém của một số người soạn đề thi trắc nghiệm khi không hề hiểu cái gì là đặc trưng của một câu hỏi trắc nghiệm, cái gì là sự khác nhau giữa 1 câu hỏi dạng tự luận và dạng trắc nghiệm. Điều này khiến một số đề thi trắc nghiệm quá đơn điệu và tầm thường.
3. Cho rằng Lịch sử và Địa lý cũng không nên thi trắc nghiệm bởi nếu làm vậy chắc câu hỏi cũng giống như hình thức trò chơi truyền hình: “Theo dòng lịch sử” hoặc “Hành trình văn hóa” là sự so sánh khập khiễng. Kết quả làm bài thi Lịch sử kém, sao không xem lại cách dạy của giáo viên, cách học của học sinh và nội dung học môn Lịch sử mà lại đổ lỗi cho thi trắc nghiệm.
4. Tôi đồng ý là thi trắc nghiệm có thể không phù hợp với môn Văn nhưng đâu có cơ sở khoa học nào để khẳng định thi trắc nghiệm cũng không phù hợp với những môn khác. Môn Toán, môn Lý, môn Hóa (khoa học tự nhiên) có bản chất khác với môn Văn (khoa học xã hội), thế sao lại tùy tiện vận dụng phép hồi quy để đưa ra kết luận như vậy.
5. Thi PTTH phải tồn tại, còn thi đại học có thể bỏ. Bản chất 2 kỳ thi là khác nhau, làm sao gộp chung được? Thi THPT là để xác nhận 1 công dân đủ kiến thức cơ bản sau sau một quá trình học tập, vì vậy phải tồn tại. Còn thi đại học là để lựa chọn ra những người có thành tích nổi trội để theo đuổi các bậc học cao hơn, vì vậy có thể bỏ bởi vì có nhiều cách tuyển chọn, không nhất thiết phải thi.
Hãy lấy ví dụ từ nền giáo dục Mỹ. Đa số các trường đại học của Mỹ không thi tuyển mà xét tuyển bằng cách chấm điểm các thí sinh theo nhiều tiêu chí mà trong đó tiêu chí điểm thi THPT chiếm không quá 40% tổng số điểm. Các tiêu chí khác là kỹ năng xã hội, quá trình học ở bậc học bên dưới, nội dung bài văn diễn tả mục đích vào học, mục tiêu nghề nhiệp, triển vọng đóng góp cho xã hội và công đồng, …
Nhiều người lầm tưởng các ĐH Mỹ chỉ dựa vào điểm thi THPT để xét tuyển đại học, rồi từ đó phản đối việc “gộp 2 kỳ thi THPT và đại học”.
Chúng ta cần phân biệt rõ 2 vấn đề khác nhau cần phải được ra xác lập trong tương lai giáo dục VN: (1) nâng cao giá trị văn bằng THPT bằng cách chống tiêu cực trong thi cử, áp dụng thi trắc nghiệm; (2) duy trì hoặc bỏ kỳ thi đại học.
Lưu Trường Văn, Nghiên cứu sinh chuyên ngành “Construction Engineering and Management”, ĐH Quốc gia Pukyong, Busan, Hàn Quốc.