Các nhà sử học thường gọi tên các thời đại của loài người bằng một đặc điểm đặc trưng, mang tính tiêu biểu cho giai đoạn đó. Người ta gọi là thời đại đồ đá do con người chủ yếu sử dụng đá để chế tạo công cụ, vũ khí, vật dụng phục vụ sinh hoạt...tương tự với thời đại đồ đồng, đồ sắt...
Còn thời đại hiện tại của chúng ta là gì? Nó thường được nói đến phổ biến trên truyền thông như là thời đại thông tin hay thời đại kỹ thuật số (Digital age). Tuy nhiên, một cách trực quan và không chính thức, người ta đôi khi còn gọi tên thời đại này bằng một cụm từ khác: Thời đại màn hình (Screen age).
Thật vậy, nếu bạn tự nhìn lại một ngày trôi qua của mình, cái mà bạn gắn bó, tiếp xúc nhiều nhất chính là những chiếc màn hình.
Buổi sáng khi tỉnh dậy, cái đầu tiên mà bạn nhìn thấy, thông thường chính là cái màn hình đồng hồ từ smartphone.
Sau đó là một chuỗi những hoạt động gắn với gắn với những chiếc màn hình khác nhau, bạn ăn trong khi xem tin tức từ màn hình tivi, bạn liên lạc, làm việc, kiếm tiền, giải trí cũng thông qua những chiếc màn hình, từ bé 1-2 inch như màn hình smart watch đến 500-600 inch như màn hình ở rạp chiếu phim.
Thậm chí, nó còn thay chúng ta biểu lộ cảm xúc, đóng vai trò một cô bảo mẫu hiệu quả khi muốn lũ trẻ bớt quậy phá... và còn làm thay đổi những thứ được coi là chuẩn mực từ trước đến nay, như là cách chúng ta lùi một chiếc xe hơi thì trong các trường lớp luôn được dạy là phải vịn tay vào thành ghế và nhìn về phía sau qua vai, nhưng hiện tại nó có thể chỉ rút gọn chỉ bằng việc nhìn vào màn hình camera lùi ở phía trước.
Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy và chỉ ra lợi ích mà những chiếc màn hình (thực chất là những công nghệ đằng sau nó) mang lại, nhưng những mặt trái của nó thì đôi khi bạn rất khó nhận ra hoặc thậm chí là bạn không muốn nhận ra.
Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình bị mất quá nhiều thời gian quý giá, lệ thuộc phần lớn vào cái màn hình, thiếu khả năng kết nối thực với mọi người và thế giới xung quanh, đến mức bạn có dấu hiệu của một hội chứng được gọi là FOMO (viết tắt của fear-of-missing-out - sợ bị bỏ lỡ điều gì đó), tức là bạn rất sợ bị bỏ lỡ một cuộc gọi, sợ bị bỏ lỡ những thông báo trên mạng xã hội... Hay nói cách khác là bạn sợ bị rời xa những cái mình hình quen thuộc của mình, thì đã đến lúc bạn nên thay đổi.
Sau đây sẽ là một vài lời khuyên có thể hữu ích cho bạn, dưới góc nhìn của tôi- một người theo chủ nghĩa tối giản: Bạn nên giảm bớt số màn hình giống nhau:
Ví dụ, mỗi căn phòng trong nhà bạn đều có một chiếc tivi, bạn có thể rút lại chỉ còn một chiếc tivi duy nhất ở phòng khách - phòng sinh hoạt chung, việc này khiến cho mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt là con cái, có thể học được cách nhường nhịn và chia sẻ.
Hoặc đôi khi đơn giản chỉ là bạn giảm từ hai chiếc điện thoại thành một chiếc điện thoại có hai sim. Sử dụng một chiếc màn hình đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau: Bạn có thể tập làm quen với việc xem tivi trên laptop hoặc coi YouTube qua smartphone thay vì có hẳn một chiếc tablet chỉ để làm việc này.
Tạo ra những "khó khăn" khi muốn sử dụng những chiếc màn hình công nghệ: Chỉ đơn giản như để chiếc smartphone ra khỏi tầm với khi bạn nghỉ ngơi, đọc sách hoặc chuẩn bị đi ngủ, cho đến phức tạp hơn như chọn một bộ phát wifi chỉ đủ công suất cho phòng làm việc.
Lựa chọn một giải pháp thay thế: Hãy tưởng tượng khi đứng giữa một vườn hoa đẹp, bạn hãy dành thời gian tận hưởng hương thơm và không khí xung quanh mang lại – điều mà không một chiếc màn hình nào có thể ghi lại được, hơn là chỉ chăm chăm chụp ảnh và tận hưởng khung cảnh qua chiếc màn hình nhỏ bé của máy ảnh.
Làm cho mình bận rộn hơn và tránh thời gian "chết" lãng phí: Cảm giác kết quả sau khi bạn dành thời gian ra dọn dẹp lại cái bàn làm việc của mình cho gọn gàng hơn hay ngồi nói đủ câu chuyện trên trời dưới đất với bạn bè cũng đem lại cho bạn sự sảng khoái như sau khi xem một bộ phim hoặc dành ra hàng tiếng đồng hồ để lướt web.
Rõ ràng, trong nhiều năm nữa, dù muốn hay không, khi mà loài người chưa tìm ra được một cách thức hiệu quả hơn, cuộc sống của chúng ta sẽ vẫn xoay quanh những chiếc màn hình. Vậy nên, trong một số trường hợp, sự thành công của chúng ta, có thể nói, cũng chỉ là việc bạn có sử dụng thời gian của mình một cách hữu ích nhất với những chiếc màn hình xung quanh hay không mà thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.