From: Nguyen Thu
To: vne-xahoi
Subject: Toi rat ung ho bai viet bai viet cua pho giao su Le Thi Qui
Kính gửi tòa soạn và toàn thể chị em phụ nữ Việt Nam,
Tôi học kỹ thuật nên về phần văn viết chắc không được hay, song tôi từ lâu rất muốn vết về vấn đề nam nữ bình đẳng ở Việt Nam. Quả thật đây là vấn đề phải nói thực là rất lớn, đáng lẽ phải đưa vào luật pháp và nhà trường từ rất lâu. Tại sao nhà nước lại bỏ ngỏ chuyện đó? Tôi phải dùng từ "bỏ ngỏ" vì chưa thấy nhà trường dạy học sinh quyền bình đẳng nam nữ, mặc dù sách giáo khoa liên tục thay đổi.
Phụ nữ Việt Nam rất vất vả, họ phải gánh vác việc công, rồi việc nhà. Việc chăm sóc con cái, chăm sóc nội ngoại, đủ thứ không tên ở nhà, họ đều gánh vác cả. Tại sao nam giới không sẻ chia? Đây là cái nhìn truyền thống từ 1.000 năm, ở vào thời đại văn minh, cái nhìn đó hoàn toàn không phù hợp. Nữ giới chiếm 50% dân số, vậy mà lại không nhìn nhận họ bình đẳng. Nếu chúng ta không sửa đổi và giáo dục con em sớm, chúng ta sẽ tự mình đi lùi thời đại.
Tôi thấy phụ nữ Việt Nam gần như khổ nhất thế giới, chắc hơn vài nước châu Phi và vài dân tộc thiểu số trên thế giới. Tôi thật vô cùng chua xót trước thực tế mong có con trai, rồi phá thai nếu đó là nữ. Tôi đi gần khắp châu Âu, tôi càng thương phụ nữ Việt Nam, tôi thương chính mẹ tôi. Tôi khẳng định rằng, khả năng sáng tạo và công việc, phụ nữ hoàn toàn làm được, không có sự khác biệt. Tôi cũng khẳng định và thẳng thắn rằng phụ nữ làm thành công hơn trong công việc bởi họ có sự kiên trì cao.
Ở trang viết này, tôi không thể nói hết được những nhọc nhằn mà phụ nữ Việt Nam đang hằng ngày hằng giờ phải gánh chịu. Họ phải hy sinh quá nhiều. Tôi muốn nói với phụ nữ Việt Nam rằng, chính mình phải thay đổi mình, chính mình phải giáo dục con trẻ ngay trong gia đình quyền bình đẳng nam nữ. Học sinh được học yêu thương ông bà cha mẹ, nhưng lại vô tình bỏ qua quyền bình đẳng nam nữ. Tôi mong rằng nhà nước cần bổ sung vào luật là nam giới trước khi kết hôn phải học cách chăm sóc gia đình và nội trợ. Phải tuyên truyền và phải thành luật, phải áp dụng luật mành vì đây là bước đột phá so với văn hoá truyền thống.
Nhiều nam giới, khi vợ con ốm họ rất lúng túng, bởi trong cách suy nghĩ của họ, đơn giản đây không phải là việc của mình. Đây mới chỉ là một ví dụ, tôi thấy đàn ông Việt Nam, tuy không phải là tất cả, nhưng phần lớn cứ như ông vua hay sếp. Điều đó dần dần làm cho chính con trai của họ trong gia đình hình thành bản tính.
Việt Nam chưa phát triển mạnh về kinh tế, một phần là chính chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của người phụ nữ. Họ chiếm 50% dân số, chúng ta không được phép quên điều đó. Họ là mẹ của những đứa con, nếu như không có họ, sẽ chẳng có thế giới nữa.
Tôi muốn gửi đến các quý ông chưa bao giờ hoặc rất ít sẻ chia việc nhà với phụ nữ, hãy nhìn lại mình, hãy thể hiện tình yêu với vợ bằng việc làm. Đấy là cái quý giá nhất để cùng gia đình và xã hội phát triển. Đấy mới thực sự là gia đình hạnh phúc. Chúng ta cũng phải nhìn nhận đúng về từ hạnh phúc. Hạnh phúc là phải cùng chia sẻ, rất nhiều phụ nữ Việt Nam hy sinh, tận tuỵ đến mù quáng, vậy mà họ vẫn cho là hạnh phúc.
Tôi cứ nói vui, nếu tôi mà được sửa luật, điều đầu tiên là vấn đề nam nữ bình đẳng rõ ràng hơn, nghiêm trị bạo lực gia đình và mở lớp học cho những người chuẩn bị lấy vợ. Thế nhưng luật thực hiện được đến đâu lại là cả một vấn đề.