"Sẽ chẳng ai lấy cô nếu biết sự thật", chồng Maryam nói khi thấy vợ không chảy máu trong lần đầu ân ái.
Maryam giải thích với chồng rằng cô chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, người chồng vẫn không tin và yêu cầu Maryam đi lấy giấy chứng nhận trinh tiết.
Đây không phải chuyện hiếm ở Iran. Sau khi đính hôn, nhiều phụ nữ ở Iran đi khám và làm kiểm tra để chứng minh mình chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định kiểm tra trinh tiết không có giá trị khoa học.
Giấy chứng nhận của Maryam nói rằng cô có màng trinh "co giãn", nghĩa là cô có thể không bị chảy máu khi quan hệ tình dục. "Tôi bị tổn thương lòng tự trọng. Tôi không làm gì sai nhưng liên tục bị chồng xúc phạm. Tôi không thể chịu đựng được nữa, vì vậy tôi đã cố tìm cách tự tử", Maryam chia sẻ.
Khi Maryam tìm tới cái chết, cô được phát hiện kịp thời, được đưa tới bệnh viện và sống sót. "Tôi sẽ không bao giờ quên những ngày đen tối đó. Tôi bị sút 20kg trong thời gian đó", người phụ nữ Iran chia sẻ.
Câu chuyện của Maryam là thực tế của nhiều phụ nữ ở Iran. Còn trinh tiết trước khi kết hôn là điều rất quan trọng với nhiều cô gái và gia đình của họ, có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa bảo thủ.
Tuy nhiên, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi ở Iran gần đây. Phụ nữ và cả nam giới trên khắp đất nước đã vận động để chấm dứt kiểm tra trinh tiết. Tháng 11/2021, bản kiến nghị trực tuyến yêu cầu dừng kiểm tra trinh tiết ở Iran đã nhận được gần 25.000 chữ ký trong vòng một tháng. Đây là lần đầu tiên chuyện kiểm tra trinh tiết ở Iran vấp phải phản ứng công khai của nhiều người.
"Đó là hành vi vi phạm quyền riêng tư và gây hổ thẹn", người phụ nữ Iran tên Neda nói.
Neda, ở thủ đô Tehran, đã quan hệ tình dục lần đầu ở tuổi 17. "Tôi hoảng sợ, vô cùng sợ hãi về những gì sẽ xảy ra nếu gia đình phát hiện ra", Neda nói, thêm rằng cô sau đó đã quyết định đi "vá" màng trinh.
Thủ thuật này không bất hợp pháp, song để lại những hệ lụy nguy hiểm nên không phải bệnh viện nào cũng đồng ý thực hiện. Do đó, Neda tìm tới một phòng khám tư, chấp nhận phẫu thuật chui với cái giá đắt đỏ. "Tôi đã tiêu hết số tiền tiết kiệm. Tôi bán cả máy tính xách tay, điện thoại di động và trang sức bằng vàng", cô nói.
Neda phải ký vào đơn tự chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố. Cô chỉ mất khoảng 40 phút làm phẫu thuật, nhưng mất nhiều tuần để hồi phục. "Tôi rất đau đớn. Chân tôi không thể cử động", Neda nhớ lại.
Cô giấu toàn bộ sự việc với bố mẹ. Tuy nhiên, những đau đớn mà Neda phải chịu đựng cuối cùng không giúp ích gì. Một năm sau đó, Neda tìm được người muốn cưới cô, nhưng khi hai người quan hệ, cô không chảy máu. Cuộc phẫu thuật "vá" màng trinh đã không thành công. "Bạn trai cáo buộc tôi lừa dối để anh ta cưới tôi. Anh ta nói tôi là kẻ dối trá và bỏ tôi", Neda kể.
Bất chấp WHO đã lên án xét nghiệm trinh tiết là phi đạo đức và thiếu giá trị khoa học, phương pháp này vẫn được thực hiện ở một số quốc gia như Indonesia, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ chức Y tế Iran khẳng định họ chỉ thực hiện kiểm tra trinh tiết trong những trường hợp cụ thể như kiện tụng hay cáo buộc hiếp dâm. Tuy nhiên, hầu hết các yêu cầu chứng nhận trinh tiết vẫn xuất phát từ các cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Những người này thường tìm đến các phòng khám tư và có bố mẹ đi cùng.
Bác sĩ sản phụ khoa hoặc nữ hộ sinh sẽ tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Thông tin sẽ bao gồm tên đầy đủ của người phụ nữ, tên cha cô ấy, thẻ căn cước và đôi khi là ảnh của cô gái. Chứng nhận sẽ mô tả tình trạng màng trinh của cô gái kèm theo lời tuyên bố: "Cô gái này có vẻ là một trinh nữ."
Trong các gia đình bảo thủ hơn, giấy chứng nhận trinh tiết còn có chữ ký của hai nhân chứng, thường là các bà mẹ.
Bác sĩ Fariba, người đã cấp chứng nhận trinh tiết trong nhiều năm, thừa nhận đây là điều đáng hổ thẹn, song tin rằng bản thân đang thực sự giúp đỡ nhiều phụ nữ Iran. "Họ đang phải chịu áp lực từ gia đình. Đôi khi tôi sẽ nói dối giúp các đôi. Nếu họ đã ngủ với nhau và muốn kết hôn, tôi sẽ nói trước mặt gia đình họ rằng người phụ nữ vẫn còn trinh", Fariba chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với nhiều người đàn ông Iran, họ nhất định phải cưới một người vẫn còn trinh tiết. "Nếu một cô gái mất trinh trước khi kết hôn, cô ấy không đáng tin. Cô ấy có thể bỏ chồng đi theo người khác", Ali, thợ điện 34 tuổi ở Shiraz, cho biết.
Tuy nhiên, Ali cũng thừa nhận mình đã quan hệ tình dục với 10 phụ nữ vì "không thể cưỡng lại". Anh đồng tình rằng xã hội Iran tồn tại tiêu chuẩn kép, nhưng khẳng định không thấy có lý do gì để xa rời giá trị truyền thống.
"Các chuẩn mực xã hội vốn chấp nhận rằng đàn ông có nhiều tự do hơn nữ giới", Ali nói.
Quan điểm của Ali được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, bảo thủ của Iran. Dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối kiểm tra trinh tiết, các quan niệm về vấn đề này đã ăn sâu vào văn hóa Iran. Nhiều người tin rằng chính phủ cùng các nhà lập pháp Iran sẽ không nhanh chóng áp lệnh cấm với hành vi này.
Sau 4 năm luôn cố tìm tới cái chết và chung sống với người chồng bạo hành, Maryam cuối cùng cũng có thể ly hôn. Cô đã thành người phụ nữ độc thân vài tuần trước.
"Sẽ rất khó để tin tưởng một người đàn ông nào thêm lần nữa. Tôi không nghĩ tới chuyện kết hôn trong tương lai gần", Maryam nói.
Cùng với hàng chục nghìn phụ nữ Iran khác, Maryam đã ký vào đơn kiến nghị yêu cầu chấm dứt cấp giấy chứng nhận trinh tiết. "Tôi chắc rằng điều đó sẽ xảy ra vào một ngày nào đó. Tôi hy vọng tương lai sẽ không có cô gái nào phải trải qua những gì tôi đã chịu đựng", Maryam nói.
Ngọc Ánh (Theo BBC)