VN-Index mở cửa khá rung lắc, sau đó duy trì khoảng cách không xa trên tham chiếu. Khoảng 10h20, chỉ số này kiểm tra mốc 1.300 điểm nhưng không thành công. Chỉ sau 10 phút, thị trường bị đẩy lùi về vùng thấp hơn.
Sang buổi chiều, chứng khoán bị đẩy về dưới tham chiếu nhưng không quá sâu. Khoảng một tiếng sau đó, lực mua đổ về nhóm bluechip, một lần nữa kéo thị trường đi lên mạnh.

Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến VN-Index trong phiên vượt 1.300 điểm vào 24/2. Ảnh: Tất Đạt
VN-Index chốt phiên tăng gần 8 điểm so với cuối tuần trước, lên 1.304,56 điểm. Như vậy, thị trường trở lại mốc kháng cự quan trọng 1.300 điểm sau thời gian dài tích lũy. Lần gần nhất, chỉ số này đóng cửa vượt vùng giá trên là giữa tháng 6/2024.
Toàn sàn HoSE có 260 cổ phiếu tăng giá, nhiều hơn so với 194 cổ phiếu giảm. Thị trường ghi nhận 11 mã tăng hết biên độ, nổi bật là GEE, BSI, LDG.
HPG là cổ phiếu góp mức tăng nhiều nhất cho VN-Index. Mã chứng khoán của Tập đoàn Hòa Phát hôm nay tăng 4,7% lên 27.700 đồng, Trong phiên, thị giá từng lên mức trần với lệnh ATO mở cửa. Thanh khoản ghi nhận hơn 2.068 tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng giá trị giao dịch sàn HoSE. HPG cùng các cổ phiếu thép đang hưởng lợi sau thông tin Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời tới 27,83% đối với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên nếu xét theo phân ngành, nhóm chứng khoán có diễn biến tích cực nhất. Ngoài BSI nhuộm tím, các cổ phiếu như SSI, VIX, HCM, VCI, VND, FTS, ORS... đều tăng giá, cao nhất lên tới 6,6%. Đây vốn là nhóm có độ nhạy cao với diễn biến và triển vọng thị trường.
Điểm tích cực khác trong phiên VN-Index quay lại mốc quan trọng là thanh khoản cũng tăng theo. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE ghi nhận gần 21.100 tỷ đồng, tăng gần 5.200 tỷ so với cuối tuần trước. Đã gần 3 tháng qua, thị trường mới đạt thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 259 tỷ đồng, phiên thứ 3 liên tiếp. Họ chủ yếu xả cổ phiếu FPT và HPG. Nhìn chung, lực bán của nhóm nước ngoài đều được nhà đầu tư trong nước hấp thụ tốt.
VN-Index trở lại mốc 1.300 điểm vốn nằm trong kịch bản của nhiều công ty chứng khoán đưa ra trước đó. Theo thống kê của VnExpress, đa số nhóm phân tích dự báo chỉ số này đóng cửa cả năm thấp nhất trên 1.300 điểm, cao nhất có thể tiệm cận 1.500 điểm. Cơ sở cho các kịch bản đến từ dự phóng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khả quan, kinh tế phát triển nhanh hơn, chính sách tài khóa tiếp tục nới lỏng. Một số đơn vị còn dựa vào tốc độ giải ngân đầu tư công dự kiến nhanh gọn và khả năng nâng hạng thị trường đang đến gần.
Tuy nhiên kịch bản dễ bắt gặp trong những lần trước là chứng khoán sớm đảo chiều vì đây vẫn được xem là mốc kháng cự quan trọng. Ở giai đoạn giữa tháng 6/2024, VN-Index giữ trên mốc này 2 phiên, rồi lập tức giảm dần, có phiên sụt tới hơn 20 điểm, từ từ rơi về dưới 1.200 điểm. Chỉ số này cũng có lúc ghi nhận mốc 1.300 điểm vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10, nhưng sớm điều chỉnh ngay trong phiên.
Trong bối cảnh trên, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Nếu muốn giải ngân, mục tiêu phải hướng tới các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành, giàu tiềm năng tăng trưởng.
Tất Đạt