-
15h00
Giảm mạnh phiên thứ ba liên tiếp
VN-Index chốt phiên 8/4 tại 1.132,79 đểm, giảm gần 78 điểm so với tham chiếu. Tính theo giá trị tương đối, chỉ số mất 6,43% - vượt xa dự báo của những công ty chứng khoán bi quan nhất.
Áp lực bán tháo xuất hiện từ đầu phiên, có lúc giảm nhẹ nhưng không đáng kể. Điều này khiến hơn 506 cổ phiếu đóng cửa dưới tham chiếu, trong đó 254 mã chạm sàn. Ở chiều ngược lại, thị trường chỉ có 11 mã diễn biến tích cực.
Lực bán giải chấp khiến toàn bộ cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm. 24 cổ phiếu trong số này đóng cửa tại giá sàn. SSB, SAB, VJC, LPB, VIC và VHM là 6 mã thoát giá sàn.
Những cổ phiếu phát tín hiệu tích cực trong phiên cuối tuần trước thì hôm nay cũng không tránh được đà giảm. Điển hình như LPB mới tăng trần lên 32.950 đồng trong phiên 4/4, nay đảo chiều giảm 5,3%, xuống 31.200 đồng.
Sàn TP HCM hôm nay có 1,16 tỷ cổ phiếu được sang tay, tương đương giá trị giao dịch hơn 25.300 tỷ đồng. Con số này giảm sâu so với mức kỷ lục 42.200 tỷ đồng của phiên cuối tuần trước. STB dẫn đầu thanh khoản với gần 1.770 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với mã đứng thứ hai là FPT (1.714 tỷ đồng). Thị trường còn 2 mã khác cũng ghi nhận giá trị giao dịch nghìn tỷ là MBB và VHM.
Nhà đầu tư nước ngoài nối dài chuỗi bán ròng 15 phiên liên tiếp. Giá trị rút ròng đạt trên 1.700 tỷ đồng, thu hẹp nhiều so với mức 3.700 tỷ đồng và 2.800 tỷ đồng của những phiên giảm trước.
-
14h35
Áp lực bán giải chấp tăng mạnh
VN-Index không thể hồi phục như kỳ vọng bởi áp lực bán giải chấp xuất hiện rải rác trong phiên sáng và đã mạnh lên từ chiều nay. Đây là nhận định của bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam).
Theo bà Nhung, một số công ty chứng khoán cũng phát thông báo giải chấp cổ phiếu thuộc sở hữu của lãnh đạo các doanh nghiệp. "Khả năng cao thị trường sáng mai chịu áp lực giải chấp tiếp", bà Nhung dự báo.
-
14h10
27 cổ phiếu vốn hóa lớn chạm sàn
Cổ phiếu VN30 đang bị nhà đầu tư xả hàng quyết liệt. 27 trong số 30 cổ phiếu chạm giá sàn và không có bên mua. VIC, SSB và SAB là 3 mã còn duy trì sắc đỏ nhưng biên độ giảm cũng đang dần bị nới rộng.
VIC hiện mất 6% xuống 54.800 đồng. SSB và SAB lần lượt mất 4,9% và 1,4%.
Chỉ số đại diện cho rổ VN30 đang mất gần 86 điểm, tương ứng 6,68% - tiệm cận mức tối đa 7% theo quy chế giao dịch của HoSE.
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đang chạm sàn. Ảnh: Phương Đông
-
13h20
Nhà đầu tư ngoại gom cổ phiếu Thế Giới Di Động, Vietinbank
Khối ngoại hiện bán ra 3.280 tỷ đồng, nhưng cũng mua vào xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Các cổ phiếu hụt mạnh dòng tiền nước ngoài chủ yếu thuộc nhóm vốn hóa lớn như Thế Giới Di Động (MWG), Vietinbank (CTG), PV Power (POW), Masan (MSN),
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán mạnh nhất cổ phiếu MBB với khối lượng ròng hơn 18 triệu đơn vị.
-
13h15
Hàng loạt cổ phiếu tiếp tục chạm sàn
Ngay sau giờ nghỉ trưa, lực bán mạnh lên khiến hơn 500 cổ phiếu giảm điểm. Số lượng cổ phiếu chạm sàn cũng tăng từ 178 mã vào cuối phiên sáng lên 217 mã.
Toàn bộ cổ phiếu thành phần trong rổ vốn hóa lớn giao dịch dưới tham chiếu, bao gồm SAB – cổ phiếu là trụ đỡ cho thị trường trong buổi sáng.
VN-Index nới rộng biên độ giảm lên 74 điểm, mất 6,15% so với tham chiếu.
-
11h40
Mất 5,6% trong phiên sáng
Áp lực bán hạ nhiệt trong khoảng 15 phút cuối phiên sáng, giúp VN-Index thu hẹp biên độ giảm còn 67 điểm, tương ứng mất 5,6% so với tham chiếu. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM nghỉ trưa sát mốc 1.143 điểm.
Độ rộng thị trường lệch hoàn toàn về bên bán khi có đến 482 cổ phiếu giảm, còn bên tăng chỉ 14 mã. TRA của Công ty cổ phần Traphaco – một doanh nghiệp ngành dược – nằm trong số ít cổ phiếu lội ngược dòng, tăng hết biên độ. SAB của Sabeco tiếp tục giữ sắc xanh, nhưng biên độ tăng giá không lớn như đầu phiên.
Ở chiều ngược lại, trong số mã giảm có đến 178 mã cổ phiếu kịch sàn. Rổ vốn hóa lớn cũng có 10 mã mất hết biên độ gồm BVH, VRE, SSI, PLX, MWG, MSN, HPG, GVR, BCM và TCB.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ròng hơn 1.420 tỷ đồng. Nhóm này tập trung rút MBB với khối lượng bán ròng khoảng 17 triệu cổ phiếu, sau đó đến STB, VHM và FPT.
Nhiều cổ phiếu giảm sâu nhưng nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, dẫn đến lực cầu "bắt đáy" không đáng kể. Thanh khoản thị trường do đó chỉ đạt 17.600 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với phiên cuối tuần trước. Thị trường đang có 3 cổ phiếu ghi nhận giá trị giao dịch nghìn tỷ gồm FPT (1.377 tỷ đồng), STB (1.304 tỷ đồng) và MBB ( 1.142 tỷ đồng).
Phiên chiều sẽ bắt đầu lúc 13h.
-
11h05
Tiền 'bắt đáy' yếu
475 cổ phiếu giảm điểm với mức chiết khấu cho cả nhịp điều chỉnh dao động 10-15%, nhưng lực cầu giải ngân ở vùng giá thấp không xuất hiện mạnh như các phiên trước. Thanh khoản đang chững lại ở mức 15.500 tỷ đồng, trong khi cùng thời điểm này cuối tuần trước đã ghi nhận giá trị sang tay hơn 24.000 tỷ đồng.
Tâm lý thận trọng lên cao khiến nhiều mã tiếp tục dư bán lượng lớn cổ phiếu ở giá sàn. HPG dẫn đầu danh sách này với 17 triệu cổ phiếu, sau đó đến KBC hơn 14 triệu và SHB hơn 12 triệu.
"Thị trường vẫn có thể tiếp tục điều chỉnh về điểm cân bằng mới. Việc dùng sức mua để bắt đáy sẽ chưa phù hợp cho đến khi tín hiệu về thỏa thuận thương mại được tìm thấy", báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Rồng Việt viết.
-
10h55
Chứng khoán châu Á tăng trở lại
Sau nhiều phiên giảm mạnh, các thị trường chứng khoán trong khu vực sáng nay đều diễn biến khả quan. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi đang tăng 0,83%. Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng vọt 5,41%.
Sự chú ý đổ dồn về thị trường chứng khoán Trung Quốc khi ông Trump dọa áp thuế thêm 50% với hàng hóa nước này, nâng tổng mức thuế bổ sung lên 104%, nếu Trung Quốc không rút lại thuế trả đũa. Trung Quốc ngay lập tức nói 'sẽ đáp trả tới cùng' và khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Sau phát ngôn này, chỉ số Shanghai Composite tăng gần 1%, còn Hang Seng Index (Hong Kong) tăng 1,87%.
-
10h30
19 mã vốn hóa lớn giảm sàn
Rổ VN30 đang có 19 cổ phiếu mất hết biên độ và hầu hết rơi vào trạng thái không có bên mua. Những cái tên giảm sâu gồm CTG, FPT, VHM, HPG, MWG, MSN, SSI, VPB... Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán là Vietcombank (VCB) cũng nằm trong danh sách khi giao dịch tại mức sàn 55.800 đồng.
Lực bán mạnh khiến chỉ số đại diện cho rổ vốn hóa lớn mất 6,46%, tương ứng 83 điểm. Mức giảm điểm này cao hơn biên độ dao động hiện tại của VN-Index, đồng nghĩa áp lực bán từ nhóm vốn hóa đang mạnh hơn nhóm vừa và nhỏ.
Hàng loạt cổ phiếu trong rổ VN30 đang chạm sàn. Ảnh chụp màn hình
-
10h20
Cổ phiếu Sabeco lội ngược dòng
SAB của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang là trụ đỡ hiếm hoi của thị trường. Cổ phiếu này ngược dòng các mã vốn hóa lớn trong rổ VN30 để tăng 1,3% lên 43.900 đồng. Khối lượng sang tay cũng vượt mức 1 triệu cổ phiếu, tương ứng 47 tỷ đồng.
SAB có được trạng thái hứng khởi khi ban lãnh đạo vừa trình cổ đông thông qua việc nâng tỷ lệ chia cổ tức năm 2024 từ 35% lên 50%. Theo đó, công ty dự kiến dành hơn 6.400 tỷ đồng để chia cổ tức. Tỷ suất cổ tức tính theo thị giá hiện tại lên đến 11,4%.
Sabeco cũng dự báo doanh thu thuần năm nay đạt 31.641 tỷ đồng, gần như không đổi so với năm trước, còn lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng 8% lên 4.835 tỷ đồng.