"Khi các yếu tố nền tảng tại Indonesia và Thái Lan đang yếu đi, Việt Nam đã trở thành một điểm sáng. Chúng tôi cho rằng thị trường nước này sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực năm 2014", Sean Darby - Chiến lược gia chứng khoán toàn cầu tại Jeffries nhận xét.
Vn Index là chỉ số tăng mạnh nhất Đông Nam Á năm nay với 23% từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi chỉ tăng 6% trong cùng thời kỳ, CNBC cho biết.
Theo Darby, điểm yếu của Việt Nam là thâm hụt thương mại đang được cải thiện. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định. FDI vào Việt Nam đã đạt 9,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, với 70% vào lĩnh vực sản xuất. Giới phân tích cho rằng tiền tệ ổn định và chi phí lao động cạnh tranh cũng sẽ giúp tăng đầu tư vào đây.
"Việt Nam đang tăng trưởng ổn định với lạm phát thấp, nhờ sản xuất tăng tại các công ty do nước ngoài sở hữu. Việc này trái ngược với Ấn Độ và Indonesia, khi lạm phát ở hai quốc gia này cao lên, còn tăng trưởng lại thấp đi", Darby cho biết.
Năm 2014, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,5% với lạm phát trên 6%. Năm nay, GDP Việt Nam tăng 5,42%, nhỉnh hơn so với 5,25% năm ngoái. "Đây có lẽ là tốc độ tăng trưởng kinh tế tối ưu. Nếu lạm phát giảm thêm, tốc độ này có thể còn tăng nữa", Darby nhận xét.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đang áp dụng nhiều biện pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng. Hồi tháng 10, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) thông báo đã mua 118 triệu USD nợ xấu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - nhà băng lớn nhất nước về giá trị tài sản.
Andreas Karall, Giám đốc đầu tư Asia Frontier Capital (Vietnam) - quỹ chuyên rót vốn vào các công ty vừa và nhỏ Việt Nam còn nhận thấy "tiềm năng tăng trưởng khổng lồ" khi chu kỳ kinh tế mới vừa xuất hiện tại đây. Ông dự đoán quá trình này sẽ kéo dài tới 7 năm.
Theo Karall, thị trường Việt Nam rất hấp dẫn với khoảng một phần ba trong hơn 700 công ty niêm yết có hệ số P/E từ 6 đến 7. Nhiều doanh nghiệp còn trả cổ tức lên đến 9% và tiền mặt ròng gần bằng giá trị vốn hóa.
Hà Thu