Vn-Index của Việt Nam đã biến động hơn 20% trong 4 năm qua khi Chính phủ phải vật lộn với lạm phát, nội tệ giảm giá và nợ xấu. Nhưng nếu tính riêng năm nay, Vn-Index đã tăng 22%, tính đến hết ngày 11/4, cao nhất trong số 47 thị trường sơ khai và mới nổi trên toàn cầu. Sau khi điều chỉnh biến động, mức tăng này đứng thứ 16 thế giới, theo dữ liệu của Bloomberg.
Việt Nam đang nỗ lực xóa bỏ nợ xấu và nới lỏng kiểm soát sở hữu nước ngoài với các doanh nghiệp niêm yết. Lạm phát tháng 3 cũng chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức 23% năm 2011.
Dominic Scriven - Tổng giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết: “Việt Nam không chỉ nỗ lực tái lập ổn định vĩ mô mà còn nghiêm túc hơn trong việc giải quyết nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn. Chính phủ đã phát hiện ra vấn đề nằm ở phân bổ nguồn vốn, hệ thống ngân hàng và công ty nhà nước”.
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh nhất thế giới từ năm 2009 . Ảnh: Nhật Minh |
Việt Nam đang dần lấy lại niềm tin sau khi nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất kể từ 1999 năm ngoái và xếp hạng trái phiếu Chính phủ bị Moody’s hạ một bậc xuống B2 hồi tháng 9/2012 vì nợ xấu.
Theo khảo sát của Bloomberg, giảm lãi suất sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng 5,6% năm nay từ 5% năm 2012. Tăng cường lực lượng lao động và sức hấp dẫn của một trung tâm sản xuất sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn tại Việt Nam, Andrew Brudenell - Giám đốc quỹ đầu tư HSBC GIF - Frontier Markets ở London cho biết.
Hệ số P/E trên thị trường chứng khoán trị giá 44 tỷ USD của Việt Nam hiện là 11 - thấp nhất Đông Nam Á. Hệ số này tại Thái Lan là 13 và Philippines là 20. Lợi nhuận của các công ty trong Vn-Index cũng được dự đoán tăng 25% trong 12 tháng, mạnh hơn mức 17% của các công ty trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Emerging Markets Index.
Mark Mobius – Chủ tịch quỹ đầu tư Templeton Frontier Markets Fund cho biết: “Thị trường Việt Nam còn tăng nữa khi việc điều chỉnh sẽ vẫn tiếp tục. Mọi thứ ở đây đều đang rất rẻ và tôi nhận thấy có rất nhiều cơ hội”. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 195 triệu USD cổ phiếu Việt Nam năm 2013, theo Bloomberg. Mobius cho biết ông chuộng cổ phiếu cao su, ngân hàng, y tế và sữa.
Chứng khoán Việt Nam biến động mạnh cùng với sự bùng nổ tín dụng năm 2009, khiến cung tiền tăng thêm 26%, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng việc này cũng khiến lạm phát tăng cao và nhiều công ty nhà nước nặng gánh nợ nần. Điển hình là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) với khoản nợ 600 triệu USD tháng 12/2010.
Kinh tế Việt Nam cũng đang có nhiều dấu hiệu hồi phục. Lạm phát giảm xuống thấp nhất 6 tháng trong tháng 3 và xuất khẩu tăng 20% quý I. Tiền đồng cũng ổn định ở 20.900 đồng một đôla Mỹ và lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm xuống thấp nhất 5 năm ngày 10/4.
Bà Trần Thị Kim Cương, Giám đốc quản lý mảng chứng khoán của Manulife Asset Management cho biết: “Việt Nam đang tiến vào giai đoạn phát triển ổn định”. Thị trường chứng khoán cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng do giá cổ phiếu vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, ông Desmond Sheehy - Giám đốc quỹ đầu tư Duxton Asset Management (Singapore) cho biết. Tại Việt Nam, ông chuộng cổ phiếu Vinamilk và FPT.
Ông Sheehy cho biết: “Đây là nền tảng tốt cho tăng trưởng mạnh hơn nữa. Kinh tế Việt Nam mỗi năm dường như giải quyết được hai vấn đề và phát sinh một việc mới. Đó là họ trở nên tốt hơn”.
Thùy Linh (theo Bloomberg)