Đến 10h sáng (giờ Hà Nội), mức giảm này chỉ còn 2,2%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng China Enterprises Index - gồm các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong - vẫn không thay đổi ở đáy 9 tháng.
Hôm qua, Shanghai Composite Index đã mất tới 6,2%, mạnh nhất 3 tuần. Đây cũng là phiên đầu tiên trong 8 phiên, nhà đầu tư giảm nắm giữ cổ phiếu mua bằng tiền đi vay.
Nhà đầu tư đang lo lắng trước các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ còn suy giảm mạnh hơn và khả năng Bắc Kinh ngừng hỗ trợ thị trường chứng khoán. Giới chức Trung Quốc cuối tuần trước cho biết Tập đoàn Tài chính - Chứng khoán nước này (CSF) sẽ giảm mua vào do biến động đã được xoa dịu. CSF có nhiệm vụ hỗ trợ giá cổ phiếu trong nước.
Shanghai Composite Index đã hồi phục 14% từ ngày 8/7. Chính phủ nước này đã áp dụng hàng loạt biện pháp chưa từng có để chấm dứt đợt lao dốc khiến vốn hóa trên thị trường bốc hơi 4.000 tỷ USD trong gần một tháng. Chỉ số này tuần trước thậm chí vẫn tăng gần 6%, khi NDT mất giá mạnh nhất 2 thập kỷ.
Biến động trên thị trường Trung Quốc suốt 2 tháng qua, trong bối cảnh nước này tăng trưởng chậm lại, đang làm phức tạp các nỗ lực nới lỏng kiểm soát thị trường tài chính và chuyển sang nền kinh tế tiêu dùng của giới chức nước này. Hôm nay, Xinhua cũng đưa tin Trung Quốc sẽ cải tổ đáng kể các công ty nhà nước, nguồn thu Chính phủ và chính sách thuế.
Ngày 17/8, hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của các cổ phiếu tại Trung Quốc là 72, cao hơn cả 10 thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Vào đỉnh điểm bong bóng cổ phiếu tại Trung Quốc năm 2007, hệ số này mới là 68, theo Bloomberg.
Hà Thu (theo Bloomberg)