Chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) đã mất 25% năm nay, khiến Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn tệ nhất thế giới. Chiến tranh thương mại bùng phát giữa Mỹ và Trung Quốc đã quét hàng nghìn tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường này. Chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế cũng khiến dư nợ ký quỹ giảm chỉ còn một phần ba so với đỉnh năm 2015.
Vốn hóa trên thị trường Trung Quốc đã bốc hơi hơn 2.400 tỷ USD năm nay – mạnh nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi chỉ số này năm 2002. Con số này thậm chí cao hơn thời kỳ khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm, khi Shanghai Composite mất tới 65%. Năm nay, Trung Quốc cũng đã phải nhường lại vị trí thị trường chứng khoán lớn nhất nhì thế giới cho Nhật Bản.
Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trên cả hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã xuống 368 tỷ NDT (53,7 tỷ USD) năm nay – thấp nhất kể từ năm 2014. Hôm qua, chỉ 239 tỷ NDT cổ phiếu được sang tay, bằng một phần mười đỉnh năm 2015.
Dù nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót tiền vào chứng khoán Trung Quốc thông qua các kênh liên kết và các quỹ trong nước được cho là đã mua vào để giải cứu thị trường, đà giảm vẫn không dừng lại. Khi ngay cả các tài sản trú ẩn cũng bị bán, tài sản rủi ro như chứng khoán khó thoát xu hướng chung. Kinh tế Trung Quốc yếu đi làm giảm chi tiêu, gây sức ép lên nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng. Scandal vắc xin và chỉnh sửa gene cũng khiến nhóm chăm sóc y tế đi xuống.
Không lĩnh vực nào tại Trung Quốc khiến nhà đầu tư cảm thấy đủ an toàn để giữ lại. Toàn bộ 10 nhóm ngành trong chỉ số CSI 300 đều giảm năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011. Việc này cũng hoàn toàn trái ngược so với năm ngoái, khi tất cả cùng tăng.
Chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế Trung Quốc cũng đã tạo ra một số kết quả, ít nhất là trên thị trường chứng khoán. Dư nợ ký quỹ tại đây là 756 tỷ NDT hôm thứ Tư. Con số này chỉ bằng một phần ba đỉnh năm 2015, khi nhà đầu tư đi vay kỷ lục để mua cổ phiếu, tạo nên bong bóng chứng khoán khổng lồ.
Các cổ phiếu niêm yết mới tại Trung Quốc thường tăng vọt trong những ngày giao dịch đầu tiên, do giá trần IPO bị giới hạn, giúp nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời. Năm nay, các cổ phiếu mới lên sàn tăng giá 193% trong tháng đầu. Con số này không tệ, nhưng chỉ bằng nửa năm 2016 và cũng là thấp nhất trong 4 năm qua.
Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn đã tìm cách tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Tổng cộng 75 quỹ tương hỗ chuyên đầu tư cổ phiếu tại đây đã giải thể năm nay. Đây là con số lớn nhất kể từ năm 2007.
Hà Thu (theo Bloomberg)