Đến 10h45 (giờ Hà Nội), Shanghai Composite phần nào phục hồi khi chỉ mất 3,8% so với giá đóng cửa phiên trước, xuống 3.582 điểm. Đầu phiên, chỉ số này có lúc giảm tới 8,2% - mạnh nhất từ năm 2007. Trong hơn 1.100 cổ phiếu đang giao dịch, chỉ 4 mã là tăng.

Chứng khoán Trung Quốc đang dần phục hồi sau đà giảm đầu phiên. Nguồn: Bloomberg
Cổ phiếu công ty có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc - PetroChina giảm 4% sáng nay. Hang Seng Index trên sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng khi đã mất 4,4% từ đầu phiên.
Phản ứng trước diễn biến này, ngay trong sáng nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ cung cấp "gói thanh khoản dồi dào" để nâng đỡ thị trường. "PBOC sẽ tích cực hỗ trợ Tập đoàn Tài chính - Chứng khoán Trung Quốc", thông qua các kênh như cho vay và trái phiếu, thông báo cho biết. Trung Quốc cũng khẳng định sẽ theo sát những động thái từ thị trường và áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn rủi ro hệ thống.
Sau tuyên bố này, đà giảm mới có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên theo Zhao Yang, kinh tế trưởng tại Nomura, Chính phủ Trung Quốc có thể phải xem xét những biện pháp mạnh tay hơn, dù tuyên bố mới nhất cũng có tác dụng nhất thời trong việc ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Michael Every - Giám đốc nghiên cứu tài chính tại Rabobank nhận xét: "Tham lam và sợ hãi luôn song hành với nhau. Nếu trước đây không tham lam như vậy, giờ anh đã không hoảng sợ. Chúng tôi cho rằng thị trường đang hướng về mốc 2.500 điểm".
Từ sau đỉnh hồi tháng 6, Shanghai Composite Index đã mất hơn 30%, bất chấp các nỗ lực từ Chính phủ nước này, như giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ít nhất 1.249 doanh nghiệp đã phải ngừng giao dịch trên các sàn chứng khoán Trung Quốc, tương đương 43% số công ty niêm yết. Việc này đã đóng băng số cổ phiếu trị giá 2.200 tỷ USD, chiếm 33% vốn hóa thị trường chứng khoán nước này.
Hà Thu - Đức Anh