Ông Nhân khởi nghiệp bằng kinh doanh gạo tại Cần Thơ, sau đó nổi danh dần với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holding. Tên tuổi của ông Nhân được biết đến nhiều khi Louis Holding thâu tóm nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có giá trị cổ phiếu thấp. Từ đó tạo thành "hệ sinh thái" Louis Holding.
Tham vọng khuấy đảo thị trường chứng khoán của ông Nhân càng được thể hiện rõ từ năm 2020 đến 2021 khi chủ tịch này xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội để kêu gọi nhà đầu tư. Ông Nhân lập một group có tên Louis Family để truyền tải các khẩu ngữ như "đặt lệnh hôm nay, lưu lại ngày mai", song thực chất chỉ là chiêu "lùa gà" để thao túng giá chứng khoán.
Để làm được việc này, ông Nhân bị cáo buộc đã bắt tay với nhóm lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt. Cùng lúc, ông mua lại hai doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, có nguy cơ bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán để thâu tóm hai mã cổ phiếu BII và TGG.
Theo kết luận, sau khi chốt kịch bản thao túng với Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt), ông Nhân chỉ đạo cấp dưới đứng tên đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán. Để có tiền mua bán các mã cổ phiếu, Louis Holding ký hợp đồng vay vốn với Công ty quản lý tài sản Trí Việt do Phạm Thanh Tùng là Chủ tịch HĐQT. Tùng còn là Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Trí Việt.
Công ty quản lý tài sản Trí Việt là đơn vị cấp nguồn tiền cho các công ty và cá nhân trong nhóm ông Nhân vay. Riêng năm 2021, Trí Việt đã giải ngân cho nhóm ông Nhân vay hơn 1.200 tỷ đồng để mua bán nhiều mã chứng khoán, trong đó có BII và TGG, kết luận điều tra nêu.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, ông Nhân và Nam đã sử dụng "gần 20 tài khoản để thực hiện giao dịch mua bán, khớp lệnh nội bộ, khớp lệnh chéo, tạo cung cầu giả". Ông Nam nhận nhiệm vụ chỉ đạo nhân viên Trí Việt thao tác khớp lệnh, mua bán chéo, khớp lệnh tạo giả đóng cửa phiên ATC.
Hàng ngày, ông Nhân chỉ đạo cấp dưới nhận tiền, chuyển tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau. Cuối tháng, nhân viên của ông Nhân đưa các chứng từ cho người đứng tên mở tài khoản hộ để ký xác nhận hợp thức thủ tục hồ sơ.
Từ đó giá cổ phiếu BII và TGG được đẩy lên gấp 10-40 lần thời điểm mua vào. Khi nhà đầu tư đang "đu đỉnh", nhóm Nhân và Nam đã kịp chốt lời hai mã này để thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng, cơ quan điều tra cáo buộc.
Ông Nam và Nhân còn sử dụng tên người môi giới chứng khoán quản lý "nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân" để thu phí hoa hồng bất hợp pháp. Từ đó, ông Nam bị cáo buộc thu lợi bất chính gần 1,7 tỷ đồng.
Để thao túng chứng khoán thành công phải kể đến sự hậu thuẫn vững chắc của bị can Tùng - đại diện theo pháp luật của Chứng khoán Trí Việt và Công ty quản lý tài sản Trí Việt. Tùng có thẩm quyền quyết định lớn nhất tại Trí Việt nên các hoạt động liên quan đều phải báo cáo.
Theo cơ quan điều tra, bị can Tùng là người ban hành chủ trương cho khách hàng vay mua bán, giao dịch các mã chứng khoán không thuộc danh mục được cho vay Margin (giao dịch ký quỹ), trong đó có BII và TGG. Thực chất đây là hình thức "lách luật" dưới dạng cho khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bên thứ ba để mua bán, giao dịch chứng khoán. Nếu không có được sự đồng ý của Tùng thì Nam và Nhân không thể có nguồn tiền để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với hai mã cổ phiếu BII và TGG.
Tùng khai không được Nam báo cáo về các tài khoản chứng khoán thuộc nhóm họ nhà Louis nhưng C03 nhận định bị can này chưa thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, cần xử lý nghiêm.
Ngày 14/12, ông Nhân, Tùng, Nam cùng Lê Thị Thu Hương (Phó Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt), Vũ Ngọc Long (cựu Tổng giám đốc Louis Holding), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) và Ngô Ngọc Vũ (Tổng giám đốc Công ty CP Louis Capital) bị C03 đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Từ các sai phạm trên, C03 nhận thấy việc mở tài khoản chứng khoán dễ dàng và lại thiếu kiểm soát nên đã tạo điều kiện để kẻ xấu thao túng thị trường, thu lợi bất chính. Việc vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư cũng còn nhiều sơ hở nên nhóm tội phạm dễ dàng có nguồn tiền để mua bán, thao túng các mã cổ phiếu "rác".
Hơn nữa, quy định hiện hành liên quan tội thao túng thị trường chứng khoán còn rất thấp (phạt tiền cao nhất 4 tỷ đồng, phạt tù cao nhất 7 năm) nên không đủ sức răn đe. Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn trong việc xác định thiệt hại cho khách hàng tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.