Chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi 3,59% xuống còn 8.378,95 điểm. Chỉ số Standard& Poor 500 (S&P 500) hiện ở mức 876,77 điểm, thấp hơn phiên trước 3,45%. Chỉ số Nasdaq đóng cửa tại 1.552,03 điểm, đi xuống 3,23%.
Trong tuần qua, cuộc khủng hoảng tín dụng chưa có hồi kết, giá các loại hàng hóa cơ bản giảm mạnh khiến tâm lý thị trường xấu đi qua từng phiên. Sau 5 ngày giao dịch, Dow Jones giảm 5,3%, S&P 500 sụt 6,8% và số điểm bị trừ của Nasdaq lên tới 9,3%. So với mức đỉnh xác lập một năm trước, cả ba chỉ số chính đều mất khoảng 40% giá trị, và đang ở ngưỡng đáy trong 5 năm gần đây.
Các thị trường cổ phiếu lớn trên toàn thế giới đồng loạt mất điểm sau tuần giao dịch vừa qua. Ảnh: minesota.publicradio.org. |
Đã có 41% các công ty trong bộ chỉ số S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý III. Trong đó, lợi nhuận sụt giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dẫu sao, phố Wall cũng đón một số tin tốt như doanh số bán nhà xây sẵn tháng 9 tăng hơn mong đợi. Lãi suất Libor qua đêm của thị trường liên ngân hàng tăng từ 1,21% lên 1,28%, vẫn thấp hơn ngưỡng chuẩn 1,5% do FED đặt ra. Đây là tín hiệu tốt cho thấy thị trường tín dụng đã được nới lỏng. Lãi suất Libor có thời hạn 3 tháng cũng giảm từ 3,54% xuống 3,52%. Tâm điểm dư luận tuần tới sẽ hướng vào cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED). Các chuyên gia cho rằng FED có thể lần đầu tiên hạ lãi suất xuống dưới 1%.
Một vài nhà phân tích cho rằng thị trường đang ở đáy, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay lại do nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Mỹ đang có quá nhiều vấn đề. Tuy vậy, về dài hạn, triển vọng của kinh tế Mỹ khá sáng sủa, khi lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá cổ phiếu hấp dẫn, cũng như kinh tế dần hồi phục. Theo ông Micheal Sheldon, Nhà Chiến lược Thị trường tại RDM Finacial Group, vấn đề đáng được quan tâm lúc này là mức độ, thời gian ảnh hưởng của suy thoái cũng như xu hướng bán ra cổ phiếu khi nào mới kết thúc.
Tại châu Á, đồng yen lên giá kỷ lục so với đôla, 1 đôla ăn 96,69 yên, khiến cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn như Toyota, Sony, Honda sụt giảm mạnh. Từ đó, chỉ số Nikkei 225 bị kéo xuống 9,6%, nâng mức giảm tuần lên 12%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hiện có mức giảm điểm phiên cuối tuần và cả tuần lần lượt là 1,92% và 4,71%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng trải quả một tuần không mấy vui vẻ khi hạ 13,3% sau 5 ngày giao dịch, mức giảm ghi nhận được trong phiên cuối tuần là 8,3%.
Việc giới kinh doanh đánh cược vào khả năng Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm mạnh lãi suất vào tháng tới đang khiến đồng euro và bảng mất giá so với đồng đôla. Cùng ngày, chính phủ Anh cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý III giảm 0,5%. Đâu cũng là lần đầu tiên trong 16 năm trở lại đây, kinh tế đảo quốc sương mù tăng trưởng âm.
Phiên giảm mạnh của chứng khoán châu Âu hôm qua có dấu ấn đậm nét của khối ngân hàng khi cổ phiếu của HSBC, Standard Chartered, hay Royal Bank of Scotland cùng trượt giá. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh đi xuống 5%. Chỉ số DAX của Đức giảm 4,96%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 3,54%. Sau tuần qua, mức giảm của FTSE, DAX, và CAC 40 lần lượt là 4,42%, 10,15%, và 4%.
Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)