FED thừa nhận, cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán thời gian qua với mức mất điểm lên tới hàng trăm mỗi ngày đã đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế nơi đây.
Quyết định cắt giảm lãi suất chiết khấu của FED như một cơn gió mát thổi vào thị trường chứng khoán đang bấn loạn. Hầu như tất cả các cổ phiếu thuộc hàng quan trọng đều lên điểm ngay từ phiên mở cửa ngày hôm qua.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones hôm qua đóng cửa tăng 1,82% và chốt ở mức 13.079,1 điểm. Chỉ số công nghiệp Nasdaq - chỉ số chung của các công ty công nghệ - cũng hồi phục 2,31% và dừng ở con số 1.888,78 điểm trước khi kết thúc một tuần hoảng loạn của chứng khoán toàn cầu.
![]() |
Nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh: AP |
Tương tự, chỉ số FTSE 100 của London tăng 3,5% tương ứng với 205,3 điểm, chốt ở mức 6.064,2 điểm. Trước đó một ngày, chỉ số FTSE 100 mất tới 4,1%. Chỉ số DAX của Đức cũng tăng 1,49%, CAC -40 (Pháp) tăng 1,86%.
Trong những ngày qua, FED cũng như nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã rất nỗ lực để tháo gỡ khó khăn. Trước khi quyết định cắt giảm lãi suất, FED đã bơm 88 tỷ USD tiền mặt để hỗ trợ khả năng chi trả cho các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chi tới 283,2 tỷ USD cho toàn hệ thống tín dụng.
Tính chung trong tuần qua, Dow Jones mất tổng cộng 160,46 điểm, tương đương với 1,21% xuống còn 13.079,08 điểm. Kết thúc tuần, chỉ số S&P 500 cũng mất 7,7 điểm, còn 1.445,94 điểm. Nasdaq sụt 39,86 điểm.
So với đỉnh cao 14.000 điểm đạt được vào ngày 19/7, chỉ số Dow Jones mất tổng cộng gần 1.000 điểm, tương ứng với mức giảm là 6,5% trong vòng một tháng qua.
Chứng khoán châu Á vẫn chưa phục hồi
Trong khi chứng khoán tại Mỹ và châu Âu hồi phục nhanh chóng sau sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng trung ương Mỹ thì có vẻ như thị trường chứng khoán ở châu Á vẫn chưa bắt nhịp được và tiếp tục đà sụt giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, chỉ số Nikkei của Nhật Bản tiếp tục giảm tới 5,42% - mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2000. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán hàng đầu của Hong Kong Hang Seng cũng mất 1,38%.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản vừa quyết định bơm thêm 1,2 nghìn tỷ yen (tương đương với 10,7 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng nhằm khắc phục tình trạng thiếu tiền mặt để chi trả.
Trước đó, lo ngại về các vấn đề trên thị trường cho vay cầm cố Mỹ, các ngân hàng thương mại ở Nhật Bản đã tiến hành găm giữ vốn, làm cạn kiện nguồn tiền mặt trên thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, khi thị trường cho vay cầm cố của Mỹ lao đao, ngày 11/8 BOJ đã quyết định bơm 1.000 tỷ yen (8,3 tỷ USD) vào thị trường. Sau đó 2 ngày họ lại bơm thêm 600 tỷ yen (5 tỷ USD) nữa.
Các nhà đầu tư Nhật Bản lo ngại, sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ sẽ tác động xấu tới xuất khẩu từ các nước châu Á. Những nỗ lực mới của BOJ có vẻ vẫn chưa làm yên lòng nhà đầu tư. Hiện tại họ vẫn kỳ vọng BOJ sẽ tăng lãi suất trong tuần tới.
K.G. (theo BBC, AP)