Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, gần như toàn bộ thị trường chứng khoán lớn tại châu Á đi xuống. Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện giảm 1,56%. Kospi (Hàn Quốc) mất 0,4%. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm 0,6%, xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 3.
Thị trường Trung Quốc vừa mở cửa cũng quay đầu giảm, sau khi đã tăng trở lại phiên hôm qua. Hiện Shanghai Composite mất 1,5%, còn Hang Seng Index (Hong Kong) giảm 1%. Thị trường Australia, New Zealand, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang đi xuống.
Hôm qua, Wall Street lao dốc phiên thứ 2 liên tiếp vì lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. S&P 500 chốt phiên mất 1,65%. DJIA giảm tới 1,8% và Nasdaq mất 2%. Hôm qua là phiên giao dịch tệ thứ 2 trong năm nay của DJIA.
Chứng khoán toàn cầu chao đảo từ đầu tuần, sau thông báo bất ngờ của Tổng thống Mỹ - Donald Trump tối Chủ nhật tuần trước. Ông cho biết sẽ nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ 10% hiện tại lên 25%, bắt đầu từ thứ Sáu này. Hôm thứ hai, quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đang cố thay đổi các cam kết đã thống nhất trước đó. Việc này khiến triển vọng đạt thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên u ám.
Hôm qua, Bắc Kinh thông báo Phó thủ tướng nước này – Lưu Hạc – vẫn sẽ đến Mỹ vào thứ năm và thứ sáu này để đàm phán thương mại. Thuế bổ sung sẽ có hiệu lực vào thứ sáu, nếu hai nước không đạt thỏa thuận trước thời điểm đó.
"Hiện tại, thị trường chứng khoán đang tập trung vào cuộc đàm phán hai ngày đó. Tuy nhiên, rất khó tưởng tượng hai bên sẽ giải quyết các bất đồng thế nào chỉ trong hai ngày. Thị trường dường như lại bắt đầu đánh giá xung đột thương mại sẽ còn kéo dài", Masahiro Ichikawa – chiến lược gia cấp cao tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management cho biết trên Reuters.
Nhà đầu tư toàn cầu vì vậy đang chuyển hướng sang các tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Đức đều xuống thấp nhất một tháng. Trên thị trường tiền tệ, đôla Mỹ tiếp tục mất giá so với yen Nhật – công cụ trú ẩn rất được ưa chuộng.
Trên thị trường hàng hóa, dầu thô đầu phiên sáng nay mất giá do lo ngại căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, từ đó làm giảm nhu cầu dầu. Dự trữ dầu thô Mỹ lên kỷ lục cũng gây sức ép lên mặt hàng này. Tuy vậy, giá hiện đã tăng trở lại. Hiện dầu WTI giao dịch quanh 61,9 USD một thùng. Brent lên quanh 70,3 USD một thùng.
Giá vàng thế giới cũng đang tăng tốc trong phiên châu Á, hiện lên 1.286 USD một ounce. Trong phiên Mỹ tối qua, kim loại quý đã tăng cả chục USD.
Hà Thu (theo Reuters/CNN)