Khép phiên 23/5 tại châu Âu, thị trường chứng khoán Anh, Đức và Pháp đều giảm khoảng 2% ngày hôm qua. trước đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mất điểm mạnh nhất với 7,3%, lớn nhất kể từ sau thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011.
Các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Australia cũng chung tình trạng trong sáng nay. Wall Street giảm nhẹ hơn khi S&P 500 chỉ mất 0,3% và Dow Jones mất 0,08%.

Theo giới phân tích, nguyên nhân là số liệu sản xuất suy giảm của Trung Quốc và nỗi lo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giảm quy mô gói nới lỏng định lượng (QE). Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã co lại lần đầu tiên trong 7 tháng. Theo HSBC, chỉ số PMI nước này chỉ là 49,6% trong tháng 5. Giới phân tích cũng nhận định Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm nay.
Trước đó, ngày 22/5, Chủ tịch FED Ben Bernanke cũng tuyên bố có thể giảm quy mô mua lại trái phiếu nếu thị trường việc làm "thực sự cải thiện bền vững". Biên bản cuộc họp gần đây nhất của FED cho biết một số quan chức ủng hộ giảm quy mô vào đầu tháng 6. Phiên họp tới của cơ quan này là vào 18/6. FED đang bơm 85 tỷ USD mỗi tháng vào thị trường để tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính, giảm lãi suất cho vay và phục hồi nên kinh tế
Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất và dịch vụ tại châu Âu cũng tiếp tục co lại trong tháng 5, theo dữ liệu của hãng dịch vụ tài chính Markit. Sản xuất tại Mỹ cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5.
Tuy nhiên, theo Neil MacKinnon, Kinh tế trưởng tại VTB Capital, dù tất cả thị trường đều quan tâm đến tuyên bố của Bernanke, ông vẫn cho rằng "thị trường cổ phiếu đang quá nóng mới là nguyên nhân FED muốn giảm gói nới lỏng tiền tệ".
Thùy Linh (theo BBC)