Đến 9h30 (giờ Hà Nội), chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,9%. Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) cũng nhích lên lần lượt 1% và 0,13%. Hang Seng China Enterprises Index – theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng ngày thứ 2 liên tiếp với 1,3%. Tuy nhiên, Shanghai Composite Index lại yếu đi 0,4% sau khi đóng cửa với mức tăng gần 5% hôm qua.
Yen Nhật đã nhích lên 0,1% so với USD. Ringgit Malaysia tăng mạnh nhất 3 tuần với 1,2%, lên 4,2590 ringgit đổi một USD. Đồng tiền này và rupiah Indonesia là hai tiền tệ mất giá mạnh nhất tại châu Á thời gian qua.
Chưa đầy 24 giờ nữa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ có quyết định có tăng lãi suất ngay trong tháng này hay không. Đây là tâm điểm chú ý của thị trường thế giới nhiều tuần qua. Trước FED, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Haruhiko Kuroda) cũng sẽ có bài phát biểu trong một cuộc họp tại Tokyo, còn Indonesia và Hong Kong (Trung Quốc) cũng sẽ xem xét lại lãi suất cơ bản.
Nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế đều đang chia rẽ ý kiến về lãi suất Mỹ. Theo tình hình trên thị trường hợp đồng tương lai, nhà đầu tư đánh giá khả năng FED tăng lãi hiện chỉ là 28%. Nhưng theo khảo sát của Bloomberg với 113 nhà phân tích, một nửa lại dự báo sẽ tăng lãi ngay. Những con số này đều giảm mạnh từ sau khi Trung Quốc phá giá nội tệ tháng trước. Theo Goldman Sachs, sự thiếu nhất quán này đang khiến các thị trường tài chính lao đao.
Hôm qua, chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức đỉnh 4 tuần, nhờ đà tăng từ nhóm cổ phiếu năng lượng và tin tức hoạt động mua bán – sáp nhập từ các hãng bia lớn. S&P 500 tăng ngày thứ 2 liên tiếp với 0,9%. Dow Jones Industrial Average tăng 0,8%, còn Nasdaq Composite nhích lên 0,6%. Khoảng 6,6 tỷ cổ phiếu đã được sang tay, thấp hơn 7,3% so với trung bình 3 tháng.
Các thị trường châu Âu cũng đồng loạt đi lên. FTSE (Anh) chốt phiên hôm qua tăng 1,5%, CAC 40 (Pháp) tăng 1,67%, trong khi DAX (Đức) tăng nhẹ 0,38%.
Hà Thu (theo BBC/Bloomberg)