-
14h45
VN-Index chốt phiên tăng 0,65%
Thị trường đi ngang trong cả phiên chiều với nhịp giao dịch trở lại xu thế giằng co. Chốt phiên, VN-Index tăng 0,65% lên gần 774 điểm. VN30-Index tăng 0,43% lên 717,49 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,16%, trong khi UPCOM-Index tăng 0,51%.
Đến cuối phiên, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế nhưng mức độ chênh lệch đã bị thu hẹp so với phiên sáng. Sàn HoSE ghi nhận 195 mã tăng với 143 mã giảm. Trong nhóm VN30, tỷ lệ mã tăng - giảm là 16:9.
Tuy tăng điểm, thanh khoản thị trường lại giảm mạnh so với những phiên gần đây. Hai sàn niêm yết giao dịch hơn 3.800 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với phiên hôm qua và thấp hơn đáng kể so với trung bình những phiên gần đây. Giới phân tích lo ngại những phiên tăng với thanh khoản giảm có thể chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật. Nhịp giảm được dự báo sẽ sớm trở lại.
-
-
14h15
Nhóm ngân hàng cân bằng trở lại
Ngoại trừ HDB giảm hơn 1%, những mã ngân hàng trong nhóm VN30 giao dịch ổn định trở lại. Đến 14h15, VCB, EIB, STB, BID, VPB giao dịch quanh ngưỡng tham chiếu, CTG trở lại sắc xanh, MBB và TCB tăng gần 1%.
-
13h35
Thị trường giữ nhịp giằng co
Nhịp chững lại cuối phiên sáng tiếp tục giữ nguyên trong đầu phiên chiều. Đến 13h35, VN-Index tăng hơn 6 điểm lên ngưỡng 775 điểm. VN30-Index tăng 4,6 điểm lên 719 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index nhích nhẹ trên tham chiếu.
Sắc xanh vẫn chiếm ưu thế hơn với hơn 200 mã tăng trên HoSE. Trong nhóm VN30, 20/30 mã cổ phiếu tăng giá. HPG tiếp tục dẫn đầu đà tăng trong nhóm bluechip với biên độ gần 4%, theo sau là SAB, GAS tăng trên 3%. Ở chiều ngược lại, HDB giảm gần 2%, VNM và NVL giảm hơn 1%.
-
11h30
Nhóm ngân hàng đảo chiều
VN-Index nghỉ trưa tại 774,47 điểm, tăng 5,55 điểm so với tham chiếu. Đà tăng giảm mạnh so với đầu phiên khi áp lực chốt lời trỗi dậy trong những phút cuối. Điều này thể hiện rõ nhất qua nhóm ngân hàng, từ đồng loạt tăng chuyển sang phân hoá mạnh. VCB, VPB, HDB đảo chiều giảm điểm và xếp trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường. Trong rổ VN30, cổ phiếu họ Vin gồm và SAB, GAS giữ nhịp tăng để kìm thị trường không về tham chiếu.
Thanh khoản trên sàn TP HCM sáng nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương phiên hôm qua. Giá trị giao dịch thoả thuận chưa đến 200 tỷ đồng, chủ yếu sang tay cổ phiếu ngân hàng như TCB, MBB và TPB.
-
10h20
Thu hẹp đà tăng
Áp lực chốt lời mạnh lên ở nhóm midcap và penny khiến đà tăng của VN-Index chững lại. Một số cổ phiếu trong rổ VN30 cũng đảo chiều với mức giảm không quá 1%. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM đang lùi về vùng 773 điểm, chỉ còn tăng 0,5% so với tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì hoạt động bán ròng nhưng vị thế giữa bên mua và bên bán giằng co hơn. Giá trị mua vào hơn 80 tỷ đồng, trong khi bán ra gần 100 tỷ đồng và tập trung vào nhóm ngân hàng như TCB, MBB, VPB.
-
10h00
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng
Các mã ngân hàng đầu phiên sáng đều giao dịch trên tham chiếu, trừ VPB đứng giá. Biên độ tăng không lớn, chỉ từ 0,2-1,5% nên tác động lên thị trường không đáng kể. Trong danh sách 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho VN-Index, nhóm ngân hàng có ba đại diện là VCB, BID và CTG.
Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta nhận định, cổ phiếu ngân hàng vẫn trong xu hướng tăng ngắn hạn và tích luỹ cho xu hướng mới. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng và thu nhập lãi thuần trên tài sản sinh lời (NIM) bị ảnh hưởng tiêu cực vì Covid-19 nên Yuanta đánh giá nhóm này ở mức trung tính.
-
9h20
Bật mạnh đầu phiên
VN-Index tăng hơn 16 điểm, vượt mốc 785 điểm sau phiên ATO. Bên mua chiếm ưu thế hoàn toàn với 227 cổ phiếu giao dịch trên tham chiếu, trong đó rổ vốn hoá lớn đóng góp 30 mã. SAB, HPG và VRE dẫn dắt xu hướng đi lên khi đều tăng trên 4%, trong khi đó tăng thấp nhất là VNM và EIB với 0,5%.
-
9h00
Chuyên gia khuyến nghị thận trọng
VN-Index ngắt mạch giảm trong phiên hôm qua (21/4), nhưng diễn biến thị trường lại cho thấy khả năng đi xuống có thể còn tiếp diễn bất chấp Chính phủ vừa dỡ lệnh cách ly xã hội và nới lỏng kinh doanh.
Nhóm phân tích Chứng khoán Tân Việt cho rằng thanh khoản suy yếu mạnh thể hiện dòng tiền có dấu hiệu thận trọng với khả năng tăng điểm. Khối ngoại cũng chưa ngừng hoạt động bán ròng và biến động mạnh của giá dầu thế giới là hai yếu tố có thể khiến thị trường rung lắc mạnh hơn.
Đa phần các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh được nới lỏng sau khi ngưng cách ly xã hội sẽ giúp thị trường thăng hoa ngắn hạn. Tuy nhiên, chừng đấy vẫn chưa đủ để xoá bỏ các triển vọng bi quan về kết quả kinh doanh của hai quý đầu năm nên thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể lui về vùng hỗ trợ 700-730 hoặc ngược lại nếu trạng thái tích cực kéo dài thì có thể vượt 800 điểm.
-
Sắc xanh bao trùm chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ phiên 22/4 tăng điểm, do giá dầu hồi phục và Quốc hội Mỹ sắp phê chuẩn bổ sung gần 500 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch. Chốt phiên, chỉ số DJIA tăng 1,99% lên 23.475 điểm. S&P 500 tăng 2,29% lên 2.799 điểm và Nasdaq Composite thêm 2,81% lên 8.495 điểm. Toàn bộ 11 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên.