Khi thị trường mở cửa, áp lực bán xuất hiện trên diện rộng. Các động lực tăng trưởng chính như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản khu công nghiệp... đều chìm trong sắc đỏ khiến VN-Index rơi thẳng đứng. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM lúc 10h15 đã mất hơn 23,45 điểm, xuống 1.055 điểm.
Số lượng cổ phiếu giảm xấp xỉ 390 mã, trong khi cổ phiếu tăng chưa đến 50 mã. Rổ VN30 cũng có 26 cổ phiếu giảm, chỉ còn VIC và VJC tăng điểm nhưng cũng chỉ cao hơn tham chiếu lần lượt 0,1% và 0,4%. Những cổ phiếu tích luỹ nhiều trong những phiên gần đây như EIB, HDB, SSI, BID... đều đang giảm trên 4,5%.
Chưa đầy một giờ sau khi mở cửa, sàn TP HCM đã ghi nhận hơn 20 triệu cổ phiếu được sang tay. Hệ thống đo lường giá trị giao dịch của HoSE tiếp tục có biểu hiện chậm trả kết quả giao dịch. Thanh khoản lúc 9h50 đạt 3.940 tỷ đồng và đứng yên khoảng 10 phút dù nhà đầu tư vẫn được thông báo khớp lệnh thành công. Cột thanh khoản sau đó tăng dựng đứng, vượt mốc 5.000 tỷ đồng và chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu vốn hoá vừa, nhỏ.
Cuối phiên sáng, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn nhưng thị trường đã có dấu hiệu hồi phục trở lại khi xuất hiện lực cầu ở vùng giá thấp. VN-Index nhanh chóng thu hẹp đà giảm từ hơn 30 điểm xuống còn 8 điểm, hiện giao dịch ở vùng 1.071 điểm. Biên độ dao động của các cổ phiếu vốn hoá lớn cũng chuyển biến theo hướng tích cực. EIB đứng đầu về mức giảm khi mất 4,1%, còn SSI, CTG, HDB, TCB, BID... mất khoảng 1,5-3%.
Thanh khoản thị trường tính đến 11h đã vượt 10.400 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nội chiếm hơn 91%. Khối ngoại tỏ ra thận trọng khi mới giải ngân 450 tỷ đồng và bán 490 tỷ đồng, tập trung vào những cổ phiếu vốn hoá lớn như VNM, VRE, MBB...
Khoảng 15 phút cuối phiên, VN-Index tiếp tục bị nén xuống khi nhà đầu tư tranh thủ bán thêm ở vùng giá hồi phục. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM tạm nghỉ trưa tại 1.063 điểm, giảm hơn 15 điểm so với tham chiếu. Số lượng cổ phiếu giảm đang vơi dần nhưng sắc đỏ vẫn tiếp tục áp đảo. Thanh khoản thị trường đạt hơn 12.750 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 chỉ đóng góp hơn 5.500 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng có ba yếu tố khiến thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên sáng nay.
Thứ nhất là sóng tăng tích cực nhất trong lịch sử 20 năm đã khiến các chỉ báo kỹ thuật lên vùng quá mua. Nếu nhà đầu tư không chịu bán ra thì lượng tiền mặt còn lại trong tài khoản thu hẹp, dẫn đến lực đẩy cho thị trường đi lên tiếp bị hạn chế. Nhịp điều chỉnh này được xem là cần thiết để cân bằng lại, đồng thời giải toả áp lực mua ở vùng giá cao và chuẩn bị cho chuỗi hồi phục sau đó.
Thứ hai, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư và lượng margin cao nên khi thị trường xuất hiện tín hiệu xả hàng, một bộ phận nhà đầu tư sẽ hoà vào chốt lời, từ đó tạo thành sóng giảm mạnh.
Thứ ba, những thông tin tích cực như hiệu quả vaccine, Mỹ tung gói hỗ trợ kinh tế... lại không tạo hiệu ứng tốt như mong đợi lên thị trường chứng khoán toàn cầu. Điều này khiến nhà đầu tư trong nước quan ngại, dẫn đến việc bán chốt lời để bình tĩnh quan sát thêm. "Việc lệnh đặt ồ ạt khiến hệ thống nghẽn không phải là nguyên nhân chính của phiên điều chỉnh sáng nay", ông Bình nói thêm.
Ông Bình bỏ ngỏ câu hỏi chuỗi điều chỉnh hiện tại có thể kéo dài trong bao lâu, nhưng khẳng định VN-Index vẫn trong xu hướng tăng trung hạn với đích đến là mốc lịch sử 1.200 điểm. Điều này đặt ra trên cơ sở kỳ vọng sự hồi phục của nền kinh tế hậu Covid-19, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và các gói kích thích kinh tế trên thế giới.
Đồng quan điểm khi cho rằng phiên giảm hôm nay là cần thiết nhưng ông Lê Quang Minh – Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) dự đoán diễn biến tiêu cực của VN-Index có thể còn kéo dài trong những phiên cuối năm.
Theo ông Minh, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tranh thủ chốt lời trong khi các công ty chứng khoán cũng có dấu hiệu siết chặt margin để đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính vì sắp đến ngày chốt sổ là một trong những nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh.
Lý do khác từ góc độ phân tích kỹ thuật là VN-Index gần đây tăng quá nhanh, đẩy P/E lên mức 17,26x và vượt độ lệch chuẩn cộng một. Hầu hết những lần P/E chạm vào đường này trong 10 năm qua thì sau đó thị trường bật ngược trở lại, rồi mới tìm động lực tăng trưởng tiếp tục.
"Dòng tiền bên ngoài, lực mua vẫn còn bất chấp một số thời điểm thị trường mất hơn 30 điểm. Vì thế, phiên điều chỉnh càng là cơ hội cho những nhà đầu tư muốn tích luỹ ở vùng giá thấp cho trung hạn", ông Minh nói.
Phương Đông