Thị trường bất ngờ lao dốc cuối giờ sáng, Duy Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt lệnh bán bớt một phần danh mục sau giờ nghỉ trưa, nhưng thao tác liên tục bị từ chối.
Lo mạng có vấn đề, Duy Anh đổi từ wifi công ty sang dùng 4G của điện thoại, song tình trạng vẫn không khá hơn. Anh liên hệ với môi giới quản lý tài khoản, tới cuộc thứ ba người này mới bắt máy và thông báo "hệ thống giao dịch gặp vấn đề".
"Hiện tại kết nối đang gặp khó khăn, nhiều công ty chứng khoán cùng bị, mong anh thông cảm", môi giới của Duy Anh nói, và cho biết bộ phận kỹ thuật đang cố gắng khắc phục.
Tương tự, đầu phiên giao dịch chiều nay anh Lê (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể đặt lệnh mua vào khi thị trường đang giảm điểm tại Công ty chứng khoán Pinetree - nơi anh mở tài khoản. Công ty này sau đó gửi thông báo tới khách hàng về sự cố gián đoạn kết nối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Trong thông báo gửi nhà đầu tư vào 13h46, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cho biết hệ thống kết nối với HoSE bị gián đoạn, khách hàng không đặt được lệnh, hủy hay sửa lệnh. "Bộ phận kỹ thuật của FPTS đang phối hợp với HoSE để khắc phục tình trạng trên", thông báo cho hay.
Ngoài FPTS, Pinetree, nhiều công ty chứng khoán khác cũng gửi thông báo qua phần mềm hoặc nhân viên môi giới thông báo cho nhà đầu tư về tình trạng nghẽn lệnh này. Họ khuyến nghị nhà đầu tư không đặt, hủy hay sửa lệnh cho tới khi có thông báo cập nhật.
Tình trạng khó đặt lệnh kéo dài từ đầu phiên chiều tới phiên ATC hôm nay, nhưng cải thiện dần theo thời gian giao dịch. Đến 14h, giao dịch nối lại cầm chừng ở một số đơn vị, tình trạng khó đặt lệnh vẫn diễn ra diện rộng.
Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) xác nhận có hiện tượng này. HoSE cho biết đang phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận hành hệ thống để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Khoảng 14h30, một số công ty chứng khoán đã nối lại hoạt động giao dịch, nhà đầu tư cho biết có thể đặt lệnh bình thường.
Trước đó, cuối năm 2020, tình trạng nghẽn lệnh từng xảy ra. Hệ thống giao dịch của HoSE khi đó thường xuyên diễn ra tình trạng đơ, nghẽn do hạ tầng không đủ đáp ứng xử lý hàng triệu lệnh mỗi ngày, đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Nhiều thời điểm, nhà đầu tư không nắm được quan hệ cung cầu giao dịch hoặc không thể mua, bán chứng khoán, khiến thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng. Thanh khoản của HoSE khi đó khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính sau đó yêu cầu Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE có giải pháp để nâng cấp hệ thống, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Tình trạng này được giải quyết khi HoSE cùng đối tác nâng cấp hệ thống, giúp xử lý số lượng giao dịch lên đến 3-5 triệu lệnh một ngày, gấp nhiều lần mức 900.000 trước đó.
Tuần trước, HoSE cho biết từ ngày 4/3 đến ngày 8/3 sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin mới KRX - hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế. Hệ thống này cung cấp nhiều tiện ích mới, nổi bật nhất là hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch lô lẻ trên một bảng riêng và thực hiện mua - bán cổ phiếu trong ngày (T+0). Ban đầu, HoSE dự kiến hoàn thành năm 2021 nhưng sau đó liên tục lỗi hẹn.
Kết thúc phiên sáng nay, lực bán trên thị trường bất ngờ tăng vọt trong khoảng 30 phút trước giờ nghỉ, đẩy thanh khoản lên mức cao nhất ba tháng.
Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX buổi sáng tăng 57% so với phiên hôm qua, đạt hơn 16.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng thanh khoản HoSE tăng 55%, lên gần 15.600 tỷ đồng.
Đến 14h10, VN-Index giảm hơn 10 điểm với thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 21.000 tỷ đồng, tốc độ tăng thanh khoản chậm lại đáng kể từ đầu phiên chiều.
Minh Sơn