Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% và đóng cửa ở mức 4.357,7 điểm và như vậy ghi nhận ngày giảm điểm sâu nhất tính từ ngày 12/5. Cổ phiếu của tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đồng loạt bị bán mạnh.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 614,4 điểm tương đương 1,8% xuống còn 33.970,4 điểm, đây là phiên hạ sâu nhất của Dow Jones tính từ ngày 19/7. Trong phiên, đã có lúc chỉ số Dow Jones hạ đến 971 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,2% xuống còn 14.713,9 điểm.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều yếu tố khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu trong ngày 20/9. Nhà đầu tư lo sợ về tác động từ vụ việc của tập đoàn bất động sản Trung Quốc đại lục Evergrande lên các thị trường tài chính toàn cầu. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Hong Kong đồng loạt bị bán mạnh và chỉ số Hang Seng hạ 4%.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cuộc họp hai ngày bắt đầu từ 21/9, nhà đầu tư lo sợ Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phát đi thông điệp bắt đầu thu hẹp chính sách kích thích tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng cao và thị trường lao động Mỹ có nhiều diễn biến tích cực.
Số lượng các ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ tăng cao do sự lây lan của biến chủng Delta khi thời tiết tại Bắc Mỹ đang ngày một lạnh giá hơn.
Tháng 9 thường không phải tháng tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán Mỹ, mức hạ trung bình khoảng 0,4%, theo tính toán của Stock Trader Almanac. Lịch sử thị trường cho thấy xu thế bán thường tăng lên trong nửa sau của tháng.
Nhà đầu tư đồng thời lo sợ về tình hình tại Mỹ khi thời hạn nâng trần nợ công đang dần đến. Quốc hội Mỹ sẽ phải nhanh chóng thông qua được điều này để ngăn khả năng chính phủ Mỹ buộc phải tạm đóng cửa.
Trong phiên giao dịch ngày 20/9, các cổ phiếu của doanh nghiệp có hoạt động liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị bán mạnh. Có thể kể đến cổ phiếu Ford mất hơn 5%; cổ phiếu General Motors và Boeing sụt 3,8% và 1,8%. Cổ phiếu công ty sản xuất thép Nucor giảm đến 7,6%.
Cổ phiếu năng lượng đồng loạt giảm điểm mạnh khi mà giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ gần 2% bởi lo ngại về triển vọng của kinh tế toàn cầu. Cổ phiếu nhóm ngành năng lượng Mỹ mất 3% và là cổ phiếu ngành giảm sâu nhất trong các cổ phiếu ngành thuộc S&P 500.
Giá vàng trong phiên giao dịch ngày 20/9 tăng trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm mạnh do những nỗi lo liên quan đến tập đoàn bất động sản Trung Quốc.
Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay trên thị trường New York tăng 0,58% lên 1.764USD một ounce.
Chuyên gia phân tích tại Kitco, ông Jim Wyckoff, nhận xét: "Ngày giao dịch mới đây là ngày mà tâm lý né rủi ro tăng cao trong bối cảnh thị trường chứng khoán và tài chính tháng 9 vốn có rất nhiều biến động. Tập đoàn bất động sản Evergrande hiện đương đầu với nhiều rắc rối về tài chính, nhà đầu tư đang lo ngại về rủi ro lây lan".
Từ các phiên trước, giá vàng vốn đã chịu nhiều áp lực khi Mỹ công bố nhiều thông tin kinh tế tích cực. Diễn biến kinh tế Mỹ lạc quan khiến nhiều người trong giới đầu tư củng cố niềm tin rằng Fed sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu Bộ Tài chính và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp quy mô 120 tỷ USD trước thời điểm cuối năm 2021. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá vàng.
Diệu Thanh (Theo CNBC, MarketWatch)