Phiên hôm qua, chỉ số S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ đóng cửa tại 2.933,68 điểm, phá vỡ kỷ lục cũ hồi tháng 9 năm ngoái (2.930,75 điểm). Nasdaq cũng chốt phiên ở mức kỷ lục, với 8.121, cao hơn đỉnh 8.110 lập tháng 8 năm ngoái. Trong phiên, hai chỉ số này còn từng chạm mốc cao hơn.
Chứng khoán Mỹ được kéo lên nhờ cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Hasbro, Twitter và Quest Diagnostics thuộc nhóm tăng mạnh nhất thị trường phiên hôm qua. Kết quả kinh doanh quý vượt dự báo của hàng loạt công ty đã giúp nhà đầu tư bớt lo lắng về tăng trưởng kinh tế.
Edward Moya – nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết diễn biến hôm qua cho thấy tiêu dùng tại Mỹ đang khá mạnh. Trong khi đó, John Lynch – chiến lược gia đầu tư tại LPL Financial nhận xét trong 7 tháng qua, thị trường đã vài lần đột ngột chuyển hướng.
Năm ngoái, chứng khoán Mỹ có quý IV tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Sau đó, thị trường phục hồi rất nhanh và có quý I tốt nhất kể từ năm 1998.
Cuối tháng 12 năm ngoái, chứng khoán Mỹ biến động lớn và có những phiên giảm ngày mạnh nhất lịch sử. Tuy nhiên, kể từ đó, S&P 500 đã tăng 25%. Nasdaq và DJIA tăng lần lượt hơn 30% và 22%, theo số liệu của Refinitiv.
Lynch cho rằng tốc độ này là quá nhanh. Nhiều rủi ro khác, như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các vấn đề cấu trúc tại châu Âu, vẫn đang đe dọa hoạt động kinh tế. Các yếu tố này có thể ngăn chứng khoán tăng mạnh trong ngắn hạn.
Đầu phiên châu Á sáng nay, hầu hết chỉ số lớn tăng điểm theo Mỹ. MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng 0,1%. S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,6%. Mức tăng của Nikkei 225 (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) lần lượt là 0,3% và 0,1%. Dù vậy, hiện tại, phần lớn các thị trường đã quay đầu đi xuống. Nikkei 225 mất 0,01%. Kospi mất 0,72%. MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm 0,46%. Chứng khoán Trung Quốc cũng có chung diễn biến, khi Shanghai Composite và Hang Seng Index (Hong Kong) mất lần lượt 0,17% và 0,3%.
Hà Thu (theo CNN)