Chốt phiên giao dịch 5/8, chỉ số DJIA giảm 2,6% xuống 38.703 điểm. Nasdaq Composite mất 3,43%, đóng cửa tại 16.200 điểm. S&P 500 hạ 3%, về 5.186 điểm. Hai chỉ số DJIA và S&P 500 đều ghi nhận phiên mất giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu của các đại gia công nghệ và công ty hưởng lợi từ làn sóng AI toàn cầu. Công nghệ cũng là một trong các nhóm có diễn biến tệ nhất phiên đầu tuần. Cổ phiếu Nvidia giảm 6,4%. Apple mất 4,8% sau thông tin Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bán nửa cổ phần sở hữu tại đây. Hãng xe điện Tesla mất 4,2% và Super Micro Computer hạ 2,5%.
Có thời điểm, tổng vốn hóa của 7 công ty hàng đầu trên sàn chứng khoán Mỹ (Apple, Tesla, Alphabet, Amazon, Nvidia, Microsoft, Meta Platforms) bốc hơi 800 tỷ USD. Hôm qua, chỉ có 22 mã trong "rổ" S&P 500 tăng.
Không riêng Mỹ, hàng loạt thị trường tài chính trên thế giới đều lao dốc. Chốt phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm 13% - mạnh nhất kể từ ngày "Thứ Hai đen tối" năm 1987.
Chứng khoán Hàn Quốc phải dùng công cụ ngắt mạch khi các chỉ số chính giảm hơn 8%. Thị trường châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ. Bitcoin - tiền số lớn nhất thế giới - mất giá gần 15% trong 24 giờ. Giá vàng giao ngay tối 5/8 có thời điểm giảm hơn 70 USD một ounce.
Các thị trường đi xuống khi nhà đầu tư lo ngại Mỹ rơi vào suy thoái và Cục Dự trữ liên bang (Fed) chậm giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Tuần trước, cơ quan này giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức cao nhất 2 thập kỷ.
Việc Nhật Bản nâng lãi suất lần thứ hai trong năm cũng tác động lên thị trường. Nhà đầu tư phải bán các tài sản khác để trả nợ khoản vay bằng yen Nhật trước đó, do lo ngại khả năng lãi suất tại đây tiếp tục tăng trong tương lai.
Hà Thu (theo Reuters, CNBC)