Chốt phiên giao dịch 20/4, chỉ số S&P 500 tăng 0,01%. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này giảm 2,3% và rơi vào thị trường giá xuống (giảm hơn 20% từ đỉnh tháng 1). Tính chung cả tuần, chỉ số này mất 3%, ghi nhận tuần giảm thứ 7 liên tiếp.
Nasdaq Composite mất 0,3% hôm qua và 3,8% cả tuần, cũng ghi nhận tuần thứ 7 liên tiếp giảm. Chỉ số DJIA gần như đứng yên, nhưng mất 2,9% tuần này – đánh dấu chuỗi giảm 8 tuần đầu tiên kể từ năm 1923.
Diễn biến này cho thấy nhà đầu tư đang ngày càng lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lợi nhuận các doanh nghiệp giảm sút, lạm phát tăng tốc và động thái thắt chặt tiền tệ của Fed là các nguyên nhân chính cho việc này.
Tình trạng này được dự báo còn tiếp tục cho đến khi có đủ số liệu chứng minh lạm phát đang hạ nhiệt, Liz Young – Giám đốc Đầu tư tại SoFi nhận định. "Tôi cho rằng chúng ta sẽ ở trong thị trường giá xuống một thời gian. Tôi không biết liệu thị trường có hồi phục nhanh hay không", bà dự báo.
Việc S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống là điềm báo xấu cho nền kinh tế. Trong 50 năm qua, chỉ năm 1987 là thị trường giá xuống không đi kèm suy thoái. S&P 500 đã 17 lần rơi vào (hoặc tiến sát) vùng này kể từ Đại chiến Thế giới II, với mức giảm trung bình 30% và kéo dài trong một năm, theo nghiên cứu của LPL Research.
"Trong phần lớn thị trường giá xuống kể từ tháng 3/2020, nhà đầu tư đều có lý do để mua vào bắt đáy. Nhưng lần này, việc suy giảm có vẻ tự nhiên hơn. Nhà đầu tư sợ hãi và không biết nên trú ẩn ở đâu. Tôi không cho rằng cảm giác bất an này sẽ qua đi sớm đâu, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ và tài khóa hiện không ủng hộ nhà đầu tư", ông nói.
Morgan Stanley hiện dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới là 27%. Xác xuất này tăng mạnh so với chỉ 5% hồi tháng 3.
Hà Thu (theo CNN)