Đây là mô hình dự báo của Sam Stovall - một chuyên gia chứng khoán tại S&P Global Market Intelligence. Stovall đã theo dõi số liệu mỗi đợt bầu cử tổng thống từ năm 1944. Theo đó, khi chứng khoán tăng từ 31/7 đến 31/10, đảng hiện nắm quyền ở Nhà Trắng thắng 82% số lần bầu cử.
Tương tự, nếu S&P 500 đi xuống, cử tri có xu hướng thay đảng cầm quyền hiện tại. Tỷ lệ này là 86%. Năm nay, khoảng thời gian theo dõi rơi vào 1/8 đến 31/10.
"Tất cả chúng ta đều biết giá cổ phiếu luôn có tính dự báo. S&P 500 có thể chỉ ra liệu Tổng thống, hoặc đảng của họ, có tái đắc cử hay sẽ bị loại", ông cho biết.
Nguyên tắc là nếu nền kinh tế đang tăng trưởng, và mọi người cho rằng thời gian tốt đẹp này sẽ còn tiếp diễn, họ sẽ muốn gắn bó với đảng hiện hành. Trong trường hợp này là đảng Dân chủ. Còn nếu họ lo sợ, chứng khoán sẽ giảm, và cử tri sẽ muốn có lãnh đạo mới.
Những lần mô hình này thất bại là khi có 3 đảng cùng tranh cử (năm 1968 và 1980), hoặc khi có cú sốc chính trị lớn, như năm 1956 - khi Anh và Pháp giành quyền kiểm soát kênh đào Suez từ Ai Cập.
Sự xuất hiện của đảng thứ 3 cũng khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên khó đoán hơn. Từng có kinh nghiệm tranh cử tổng thống, ứng cử viên đảng Tự do - cựu thống đốc Gary Johnson có cơ hội không nhỏ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Chứng khoán Mỹ đã tăng 5 tháng liên tiếp. Các chuyên gia tại phố Wall hiện có quan điểm khá trái chiều về khả năng thị trường có tiếp tục đi lên hay không.
Hà Thu (theo CNN)