Chốt phiên 4/1, chỉ số DJIA giảm 382 điểm, tương đương 1,3%, về 30.223 điểm. S&P 500 giảm 1,5% về 3.700 điểm. Nasdaq Composite mất 1,5%, còn 12.698 điểm. Cả Dow và S&P 500 đều lập đỉnh mới đầu phiên, sau đó đảo chiều.
Trong phiên, Dow có thời điểm giảm tới hơn 700 điểm. 4/1 là phiên đầu năm đầu tiên giảm điểm của chỉ số này kể từ 2016. Đây cũng là ngày giảm mạnh nhất của cả Dow và S&P kể từ cuối tháng 10/2020 và tệ nhất của Nasdaq kể từ tháng 12/2020.
"Tôi từng chứng kiến rất nhiều đợt tăng phi mã với những cổ phiếu bị định giá sai. Nhưng chúng có một điểm chung, là cuối cùng cũng sẽ dừng lại và trải qua quá trình điều chỉnh đầy đau đớn", tỷ phú đầu tư Carl Icahn cho biết trên CNBC hôm qua.
Coca-Cola và Boeing là các mã tệ nhất trong Dow, khi giảm lần lượt 3,8% và 5,3%. Trong S&P 500, nhóm bất động sản mất 3,2%.
Đà giảm xuất hiện khi nhà đầu tư lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh trên toàn cầu và tác động của việc này đến phục hồi kinh tế. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã áp dụng phong tỏa toàn quốc để ngăn chủng mới lây lan. Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy toàn cầu ghi nhận 85 triệu ca nhiễm, trong đó có 20,7 triệu ca tại Mỹ và 2,7 triệu tại Anh.
Wall Street cũng đang chú ý đến cuộc bầu cử giành ghế Thượng viện tại Georgia hôm nay, với khả năng đảng Dân chủ của Tổng thống đắc cử Joe Biden giành quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện. John Stoltzfus – chiến lược gia đầu tư tại Oppeneheimer cho biết S&P 500 có thể giảm 10% nếu điều này xảy ra, do thuế doanh nghiệp có thể tăng mạnh.
Năm ngoái, DJIA tăng 7,3%, S&P 500 tăng 16,3% và Nasdaq Composite tăng 43,6% - mạnh nhất kể từ năm 2009. Chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa của các nước, cùng các tiến triển trong sản xuất vaccine đã giúp thị trường hồi phục sau đợt bán tháo tháng 3.
Hà Thu (theo CNBC)