Sự tích lũy trong trung hạn
Trung tâm phân tích Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, chỉ số VN-Index có một giai đoạn tích lũy tương đối dài trong năm 2024. Cụ thể, năm ngoái, chỉ số dao động trong một vùng nhất định với ngưỡng cản bên trên là vùng 1.300 điểm và ngưỡng cản bên dưới là vùng 1.180-1.200 điểm.
"Giai đoạn tích lũy này được gọi là mẫu hình chữ nhật. Dựa trên tín hiệu phá vỡ cản trên hoặc dưới, chỉ số có thể xác nhận xu hướng tăng hoặc giảm trong trung hạn", bà Lại Thanh Nhàn chia sẻ.

Nhà đầu tư theo dõi chỉ số VN-Index trên ứng dụng iKIS. Ảnh: KIS
Theo KIS, giai đoạn đi ngang trong năm 2024 có sự tương đồng với giai đoạn từ năm 2014 tới năm 2016. Trong thời gian này, chỉ số cũng dao động trong một mẫu hình chữ nhật với cận trên là vùng 640 điểm và cận dưới là vùng 530 điểm. Khi vượt ngưỡng 640 điểm trong năm 2016, chỉ số đã hình thành một xu hướng tăng trong dài hạn kéo dài suốt hai năm sau đó.
Các chuyên gia của KIS nhận định, sự tương đồng này hàm ý tích cực về mẫu hình tích lũy được hình thành trong năm 2024. Nếu chỉ số có thể vượt 1.300 điểm, một xu hướng tăng tương tự cũng có thể được xác nhận.

Diễn biến của VN-Index trong giai đoạn 2014-2016 và năm 2024. Ảnh: KIS
Tín hiệu vượt ngưỡng
Trong năm 2024, chỉ số VN-Index đã nhiều lần kiểm định ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều không thể vượt qua. Tuy nhiên, phiên bứt phá qua ngưỡng này có thể đã xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 24/2 vừa qua khi chỉ số đóng cửa ở mức 1.304 điểm. Theo chuyên gia của Chứng khoán KIS, có nhiều tín hiệu xác nhận cho sự phá vỡ này.
Đầu tiên là sự gia tăng của khối lượng giao dịch. Trong phiên 24/2, khối lượng giao dịch tuy tăng nhẹ nhưng đáng chú ý hơn là suốt giai đoạn tăng trưởng từ đáy tháng 1/2025, khối lượng giao dịch đã có sự cải thiện đáng kể và liên tục gia tăng mạnh. Điều này đặc biệt quan trọng khi xét đến yếu tố mùa vụ, vì thời điểm đầu năm thường chứng kiến sự suy giảm về khối lượng do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Việc dòng tiền đổ vào mạnh trong giai đoạn này có thể cho thấy sự kỳ vọng của nhà đầu tư đối với xu hướng tăng sắp tới.
Thứ hai, hiện tượng "throwback" có thể đang diễn ra. Trong phân tích kỹ thuật, khi chỉ số phá vỡ một ngưỡng kháng cự quan trọng, nó thường có xu hướng quay lại kiểm định mức đó trước khi tiếp tục xu hướng tăng. Hiện tượng này gọi là "throwback".
"Bốn phiên giao dịch sau ngày 24/2 có thể đang hàm ý về hiện tượng này, đặc biệt là trong phiên giao dịch ngày 27/2, khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường giảm sâu đã có dòng tiền bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số đóng cửa trở lại trên ngưỡng 1.300 điểm. Điều này củng cố thêm khả năng rằng sự phá vỡ đã thực sự diễn ra", bà Nhàn nhấn mạnh.
Chuyên gia phân tích của KIS cho rằng, dựa trên nguyên tắc đo lường của mẫu hình chữ nhật, khi mẫu hình này được xác nhận, mục tiêu giá sẽ tương đương với chiều cao của mẫu hình. Trong trường hợp này, chiều cao của mẫu hình chữ nhật là khoảng 120 điểm. Với ngưỡng phá vỡ tại 1.300 điểm, mục tiêu giá sẽ đạt 1.420 điểm.
"Với sự hỗ trợ của dòng tiền, thị trường có thể mở rộng biên độ lên vùng 1.400-1.450 điểm trong giai đoạn tới", bà Nhàn nói thêm.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, KIS cũng nhận thấy sự hỗ trợ từ một số yếu tố cơ bản như mặt bằng lãi suất thấp, doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh hay chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
(Nguồn: Chứng khoán KIS)