Cổ phiếu các hãng tài chính - AIA group và HSBC tăng lần lượt 3% và 2,6%. Còn đại gia Internet Tencent lên 3,2%. Nhà đầu tư kỳ vọng vào các biện pháp kích thích từ ngân hàng trung ương toàn cầu, và lạc quan trước tín hiệu từ Mỹ cho thấy đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn đang tiến triển.
Cổ phiếu hãng hàng không Cathay Pacific Airways cũng tăng 0,9%. Tuần trước, hãng này cho biết đã chấp thuận đơn xin từ chức của CEO Rupert Hogg và Giám đốc phụ trách Thương mại - khách hàng Paul Loo. Động thái này diễn ra sau khi Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ra cảnh báo về hãng bay, do một số nhân viên Cathay tham gia hoặc ủng hộ biểu tình tại Hong Kong.
Hang Seng đã mất 5,3% trong tháng 8, do lo ngại tăng trưởng suy giảm và bất ổn chính trị tại Hong Kong. Các cuộc biểu tình tại đây đã kéo dài gần 3 tháng.
"Tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn đang đặt cược trong ngắn hạn. Vì gần đây Hang Seng giảm mạnh, họ có lẽ kỳ vọng vào sự hồi phục trong thời gian ngắn", Kenny Wen - chiến lược gia quản lý tài sản tại Everbright Sun Hung Kai nhận xét, "Triển vọng vĩ mô vẫn rất mờ mịt".
Thứ sáu tuần trước, hai chỉ số DJIA và S&P 500 trên sàn chứng khoán Mỹ cũng tăng 1,2% và 1,4%. Thị trường ngày càng kỳ vọng vào gói kích thích của châu Âu. Nhà đầu tư cũng dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất tháng tới. Lo ngại kinh tế toàn cầu đi xuống trong bối cảnh chiến tranh thương mại khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng loạt ra tín hiệu sẽ nới lỏng tiền tệ.
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hai nước vẫn đang đàm phán thương mại. Tuy nhiên, ông chưa sẵn sàng ký thỏa thuận. Trước đó, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các cuộc điện đàm gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc có kết quả tích cực.
Hà Thu (theo Nikkei)