Xu hướng xả cổ phiếu được khối ngoại khởi động từ đầu phiên. Họ bán ròng yếu hơn hôm qua khoảng 26% nhưng vẫn đạt 226 tỷ đồng trên sàn HoSE. Ở phiên xả hàng thứ hai liên tiếp, tâm điểm của nhà đầu tư nước ngoài là VCB với hơn 121 tỷ đồng.
Áp lực trên khiến cổ phiếu Vietcombank giảm 1,3% về 93.000 đồng một đơn vị, thanh khoản trên 227 tỷ với hơn 58% khớp lệnh là bên bán chủ động. Đây cũng là cổ phiếu gây ảnh hưởng chủ yếu khiến chứng khoán trở lại sắc đỏ hôm nay.
VN-Index tiếp tục có một phiên trồi sụt nhưng xu hướng giảm đã rõ nét hơn. Chỉ số này chỉ trên tham chiếu những phút ATO và đầu giờ chiều, còn lại đều đi xuống. Trong buổi sáng, có lúc chứng khoán về sát 1.245 điểm do áp lực bán lan rộng.
Buổi chiều, chỉ số đại diện sàn HoSE dao động với biên độ hẹp hơn nhờ lực cầu bắt đáy. Chốt phiên, VN-Index sụt hơn 1 điểm về dưới 1.250 điểm.
Toàn sàn có 222 cổ phiếu giảm, nhiều hơn so với 153 cổ phiếu tăng giá. Thị trường vẫn có 7 mã đạt giá trần, nổi bật nhất là YEG. Song song đó, các cổ phiếu như FPT, BVH, HDB, LPB góp sức hỗ trợ chỉ số chung giảm không quá sâu.
Trong phiên VN-Index mất điểm, thanh khoản cải thiện đáng kể khi tăng gần 3.700 tỷ. Tổng giá trị giao dịch đạt trên 15.600 tỷ đồng tuy nhiên lại có sự đóng góp đáng kể từ các lệnh thỏa thuận.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) - cho rằng phản ứng của khối ngoại hiện tại bám khá sát với thị trường tài chính thế giới, xu hướng dòng vốn quốc tế và độ mạnh - yếu của đồng USD. Trong tuần vừa qua, USD yếu tương đối rõ, chỉ số Dollar Index (DXY) giảm hơn 1% so với đỉnh, qua đó dòng vốn quay trở lại chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên từ hôm qua, DXY tăng trở lại. Đây có thể là một trong những yếu tố tác động đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Sơn lưu ý rằng không phải lúc nào khối ngoại bán ròng mạnh, thị trường cũng giảm. Giai đoạn tiền rẻ 2020-2021, khối ngoại bán ra 2 tỷ USD, thị trường gần như không giảm thậm chí đi lên đỉnh mới. Do vậy, ảnh hưởng của khối ngoại còn phụ thuộc vào tình hình thị trường.
"Khi chứng khoán Việt Nam mạnh với mặt bằng lãi suất thấp và có câu chuyện hấp dẫn, kể cả khối ngoại bán ròng mạnh, thị trường vẫn đi lên", ông nêu quan điểm.
Tất Đạt