Sau những phút đầu ATO đi ngang tham chiếu, chỉ số đại diện sàn HoSE bị nhuộm đỏ cả ngày. Nửa đầu buổi sáng, thanh khoản duy trì mức thấp như phiên trước khiến chứng khoán không lùi quá sâu. Sau 11h, áp lực bán dâng cao hơn đẩy chỉ số này về sát khung 1.260 điểm.
Các lệnh bán được đẩy lên không ngừng trong buổi chiều khiến chỉ số này khó cải thiện. Sau phiên ATC, VN-Index về dưới 1.255 điểm, tức giảm hơn 15 điểm so với phiên trước. Đây là mức điều chỉnh mạnh nhất của thị trường trong 5 tháng qua.
Toàn sàn HoSE có 353 cổ phiếu giảm, nhiều gấp 5 lần so với 69 cổ phiếu tăng giá. Trong đó, các nhóm bảo hiểm, chứng khoán, bán lẻ và công nghiệp có chỉ số ngành giảm mạnh nhất.
Tuy nhiên do chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa thị trường, các cổ phiếu ngân hàng là nhóm góp mặt đông đảo ở top gây ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index. Trong đó TCB dẫn đầu, theo sau là CTG, VPB, MBB, ACB, LPB và HDB.
Thị trường cũng chịu tác động lớn bởi rổ VN30 khi có đến 24 mã đi lùi khiến chỉ số đại diện rơi gần 23 điểm, mạnh nhất kể từ đầu tháng 8. Sắc đỏ cũng lan đến thị trường Hà Nội và UPCoM.
Trong phiên VN-Index giảm mạnh, thanh khoản lại tăng thêm gần 3.000 tỷ lên khoảng 13.750 tỷ đồng. Tuy nhiên đây vẫn là con số không cao, ngang với mức trung bình nhiều tháng qua.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh xu hướng xả hàng ở phiên thứ ba liên tiếp. Hôm nay khối ngoại bán ròng 734 tỷ đồng, gấp 7,6 lần phiên trước. FPT tiếp tục trở thành tâm điểm, ngoài ra còn có CTG.
Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Hoàng Ân - Trưởng phòng Phân tích của Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng: "Thị trường hôm nay giảm mạnh, tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc các quỹ ngoại đã kéo NAV (giá trị tài sản thuần) xong vào thời điểm cuối năm ngoái và thị trường hiện trả lại điểm".
Xét tới bối cảnh vĩ mô hiện tại, tỷ giá tăng liên tục buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán USD để bình ổn. Ước tính lượng bán trong tháng 12 gần 3 tỷ USD. Việc bán ngoại tệ sẽ làm cho cung tiền thu hẹp và môi trường lãi suất có nguy cơ tăng lên trong tương lai. Theo chuyên gia, bối cảnh vĩ mô không tốt nhưng thị trường cuối năm 2024 vẫn tăng mạnh, đặc biệt là ở các mã ngân hàng mà các quỹ cầm nhiều (CTG, STB...).
Sang năm 2025, động lực duy trì hiệu suất không còn sẽ làm đà mua chững lại, kết hợp với việc chỉ số sức mạnh đồng đôla DXY vừa tăng lên vùng 109, gia tăng nguy cơ tỷ giá tiếp tục dâng lên trong tương lai. Điều này khiến các nhà đầu tư tổ chức hạ tỷ trọng, minh chứng cho việc này là lượng nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng mạnh trong 3 phiên gần đây.
Tất Đạt