Đồ thị VN-Index khởi động với sắc xanh cao hơn tham chiếu 4 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia mỏng khiến chỉ số tăng thấp, thị trường cũng không ghi nhận nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt. Dần về giờ nghỉ trưa, chỉ số này rung lắc với xu hướng lùi về dưới tham chiếu.
Biến động trên kéo dài tới đầu buổi chiều, áp lực bán dần lan rộng. Sau 14h, chỉ số giảm sâu hơn, có lúc về sát 1.250 điểm - mốc hỗ trợ quan trọng trong đợt sideway ngắn hạn (giá chứng khoán đi ngang trong biên độ ổn định, không hình thành xu hướng) và đợt tăng giá vừa qua.
Cải thiện nhẹ sau lệnh ATC, VN-Index đóng cửa trên 1.252,7 điểm, giảm gần 4,7 điểm so với hôm qua. Đây là vùng giá thấp nhất hơn một tháng.
Ở phiên điều chỉnh thứ hai này, toàn sàn HoSE có 207 cổ phiếu mang sắc đỏ, nhiều hơn so với 136 mã giữ sắc xanh.
Nhìn chung, các mã chứng khoán không lùi quá sâu. Chỉ số bị ảnh hưởng xấu bởi nhóm bluechip, dẫn đầu là BID, GVR, VIC, MSN, CTG. Nhóm có chỉ số ngành giảm mạnh nhất cũng không thuộc top hút dòng tiền lớn như hóa chất, truyền thông, dầu khí, thực phẩm và đồ uống.
Điểm sáng là thanh khoản giảm cùng VN-Index. Tổng giá trị giao dịch sàn HoSE đạt gần 13.800 tỷ đồng, thấp hơn 2.200 tỷ so với hôm qua. Điều này phần nào cho thấy áp lực đã giảm. Hiện tại nhà đầu tư vẫn có tâm lý muốn giữ cổ phiếu, chưa tìm được lý do xả hàng với giá thấp.
Ở phiên giảm mạnh trước đó, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư không nên hoảng loạn, tránh tình bán đuổi. Thay vào đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục đối với những cổ phiếu giữ được xu hướng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 410 tỷ đồng, tâm điểm là MSN. Mã chứng khoán của Masan chuẩn bị ghi nhận giao dịch nội bộ lớn, khi bà Nguyễn Yến Linh - con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đăng Quang - đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu.
Xu hướng điều chỉnh cũng tiếp nối trên sàn HNX và UPCoM. Tuy nhiên đà giảm được rút ngắn, số lượng cổ phiếu sụt và tăng giá không quá chênh lệch.
Tất Đạt